Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Chính phủ hưởng lợi từ ngành du lịch, thế nhưng người dân tại các điểm đến nổi tiếng lại muốn giành lại không gian sống của mình.
Tác giả: Feargus O'Sullivan
13 tháng 07, 2025 lúc 2:45 PM
Mùa Hè 2025 có thể đi vào lịch sử như là thời điểm châu Âu quay lưng lại với ngành du lịch. Tại Barcelona, người dân đã dùng súng nước để xua đuổi khách du lịch khỏi các con phố đông nghẹt. Tại Mallorca, hàng ngàn người xuống đường yêu cầu chấm dứt tình trạng du lịch đại trà. Ở thành phố Genoa, Ý, cư dân mang theo mô hình tàu du lịch bằng bìa cứng diễu hành qua những con hẻm nhỏ để phản đối tình trạng thành phố bị “ngập” trong “biển” du khách mỗi mùa hè. Tại Paris, nhân viên bảo tàng Louvre biểu tình vì tình trạng quá tải khiến hàng loạt người bị kẹt bên ngoài. Còn tại Venice, tiệc cưới chính của Jeff Bezos buộc phải rời khỏi trung tâm thành phố sau khi người biểu tình giương biểu ngữ “Hãy cứu Venice khỏi Bezos”, phản đối đám cưới xa hoa của tỉ phú Amazon mà họ cho là đang nhấn chìm thành phố.
Khi lượng du khách quay trở lại mức trước đại dịch, các điểm đến vốn đã đông khách nay bước vào giai đoạn “quá tải du lịch” — cuộc sống thường nhật của người dân địa phương trở nên ngột ngạt hơn bao giờ hết. Năm 2023, đảo Zakynthos của Hy Lạp, một trong những điểm nóng về nạn quá tải du lịch, đón lượng khách nhiều gấp 150 lần số cư dân thường trú. Năm 2024, các quốc gia châu Âu đón khoảng 756 triệu lượt du khách, tăng 46 triệu so với năm trước.
Du lịch mang lại nguồn thu và tạo việc làm, nhưng cũng kéo theo hàng loạt hệ lụy như tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng, ô nhiễm môi trường, áp lực lên dịch vụ công và khủng hoảng nhà ở. Sự bùng nổ của các nền tảng cho thuê nhà ngắn hạn như Airbnb, VRBO và Wimdu khiến nhiều căn hộ bị rút khỏi thị trường thuê dài hạn để phục vụ khách du lịch. Ngay cả khi tìm được nhà với giá hợp lý, người dân địa phương vẫn có thể phải sống cạnh những du khách ồn ào suốt đêm. Khi các cửa hàng chạy theo dòng tiền từ du lịch, các tiệm quà lưu niệm và kem mọc lên, thay thế dần những dịch vụ thiết yếu. Du khách chi tiêu mạnh tay khiến giá hàng hóa tăng cao, đến mức người dân không còn đủ tiền để đi nghỉ mát ngay trong nước. Ở các vùng ven biển, lượng người đổ về mỗi năm có thể gây tổn hại môi trường và làm cạn kiệt tài nguyên như nước ngọt. Toàn bộ quần đảo Cyclades của Hy Lạp đã bị đưa vào danh sách di sản bị đe dọa năm 2024 vì ảnh hưởng từ phát triển du lịch.
Các điểm du lịch “quá” nóng
Ba nhóm chính bị ảnh hưởng nặng nề nhất gồm: khu nghỉ dưỡng ven Địa Trung Hải, thị trấn trượt tuyết vùng Alps và các thành phố cổ nổi tiếng với kỳ nghỉ ngắn ngày. Các hòn đảo Hy Lạp, bờ biển phía Bắc Croatia và làng trượt tuyết vùng Tirol của Áo đều ghi nhận tình trạng du khách vượt xa dân số địa phương, đặc biệt ở những nơi lực lượng lao động thường rời đi sau mùa du lịch. Xét về mật độ du khách tại khu đô thị, các thành phố là nơi bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Năm 2024, Paris đón hơn 400.000 khách mỗi km vuông, gấp 20 lần số dân địa phương và cao hơn nhiều so với các thành phố khác như trung tâm Athens (88.000) hay Copenhagen (64.000).
Một số ngoại lệ cũng xuất hiện ngoài ba nhóm chính. Quần đảo Canary của Tây Ban Nha, gồm Lanzarote và Fuerteventura, cách bờ biển châu Phi không xa, ghi nhận sự mất cân bằng nghiêm trọng giữa số lượng du khách và dân cư. Đáng ngạc nhiên hơn, tình trạng tương tự cũng xảy ra tại các đảo thuộc biển Bắc và biển Baltic của Đức.
Ngay cả những điểm đến hạng hai cũng bắt đầu cảm nhận rõ áp lực. Albania, một trong những khu vực ven Địa Trung Hải phát triển chậm nhất, nay thu hút lượng lớn khách theo tour từ Trung và Đông Âu. Còn các thành phố từng được coi là “chưa bị khám phá” cũng dần bị cuốn vào làn sóng du lịch, nhờ sự phát triển của các hãng hàng không giá rẻ. Thành phố Porto, từng được xem là lựa chọn yên bình hơn Lisbon, nay cũng đông đúc gần như thủ đô Bồ Đào Nha.
Ai là người có lỗi?
Các bên liên quan liên tục đổ lỗi lẫn nhau. Airbnb cho rằng khách sạn là nguyên nhân chính vì chiếm đến 80% tổng lượt lưu trú qua đêm mỗi năm tại châu Âu. Ngược lại, Tui — tập đoàn khách sạn lớn nhất khu vực — cáo buộc Airbnb mới là bên gây thiệt hại trực tiếp khi rút nguồn cung khỏi thị trường thuê dài hạn. Một số chủ nhà cho thuê ngắn hạn lại cho rằng vấn đề không nằm ở du khách, mà là nhóm “du mục kỹ thuật số” giàu có, những người ở vài tuần đến vài tháng tại các thành phố như Lisbon và Berlin, đã đẩy người dân địa phương có thu nhập thấp ra ngoài.
Quan chức chính phủ tuy chỉ trích nạn quá tải du lịch nhưng lại sẵn sàng cấp phép xây thêm khách sạn và mở rộng sân bay để hút khách. Thói quen của du khách cũng khiến tình hình thêm trầm trọng: nhu cầu “check-in” tại các điểm nổi tiếng khiến dòng người đổ dồn đến những địa điểm đang thịnh hành trên mạng xã hội. Thay vì sống chậm lại để cảm nhận không khí và vẻ đẹp của một vùng đất, du khách lại chen nhau đến những nơi như phố Rue Crémieux ở Paris hay cầu đá Ponte dei Salti ở Thụy Sĩ — những địa điểm vốn không được thiết kế để đón nhận lượng người khổng lồ như vậy.
Du lịch đại trà có thực sự tệ đến vậy?
Trong quá khứ, nhiều chính phủ chủ động phát triển du lịch vì coi đây là ngành mang lại doanh thu lớn, ít gây hại đến môi trường hơn công nghiệp, đồng thời góp phần bảo tồn di sản quốc gia. Việc được đi lại và khám phá những điều mới lạ vẫn là trải nghiệm quý giá với nhiều người. Nếu được thực hiện một cách bền vững, du lịch không chỉ thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau mà còn tạo ra mối gắn kết giữa du khách và cộng đồng địa phương. Hiện nay, vẫn còn nhiều điểm đến ít được biết đến đang rất hoan nghênh khách du lịch ghé thăm.
Tuy nhiên, tình trạng du lịch quá mức ngày càng được nhắc đến như cái cớ để quy trách nhiệm cho nhiều vấn đề xã hội khác. Mặc dù Airbnb thường xuyên trở thành tâm điểm chỉ trích, thực tế cho thấy tình trạng thiếu nhà ở giá rẻ có thể bắt nguồn từ sự khan hiếm nguồn cung lâu dài, chứ không hẳn do các nền tảng cho thuê ngắn hạn. Trong nhiều trường hợp, sự bất bình của người dân không nhắm vào bản thân du khách, mà vào hệ sinh thái phục vụ họ. Những khẩu hiệu phản đối thường mang thông điệp đòi hỏi công bằng xã hội, cho rằng lợi ích từ ngành du lịch đang bị các tập đoàn lớn độc chiếm, gây thiệt hại trực tiếp đến đời sống người dân địa phương. Các hãng tàu du lịch đặc biệt bị lên án vì xu hướng để khách ăn uống và vui chơi trên tàu, rồi đổ hàng ngàn người xuống các thành phố cổ vốn đã quá tải.
Dù vậy, nếu du khách chỉ đến mà không để lại bất cứ giá trị nào, hẳn chính phủ các nước đã không nỗ lực giữ chân họ đến vậy. Năm 2024, Hy Lạp đạt mức doanh thu trực tiếp từ du lịch lên tới 21,7 tỉ euro. Con số này chưa kể đến 42,7 tỉ euro doanh thu gián tiếp, bao gồm chi tiêu tại nhà hàng, quán bar và các dịch vụ khác. Rõ ràng, không chỉ khách sạn hay công ty du lịch được hưởng lợi — toàn bộ nền kinh tế địa phương đều có phần.
Tuy nhiên, đối với những người đang sống tại các điểm đến du lịch nổi tiếng, những con số ấn tượng ấy không thể che giấu một thực tế: chính ngành công nghiệp du lịch đang khiến đường phố trở nên kẹt cứng, ồn ào suốt đêm và đẩy giá thuê nhà tăng vọt. Đại dịch có thể đã khiến mức độ khoan dung với du khách giảm sút. Trong giai đoạn giữa các đợt phong tỏa, khi du lịch còn chưa hồi phục, nhiều người có cơ hội “khám phá lại” quê hương mình trong sự yên bình hiếm có. Nhưng giờ đây, khi dòng khách đã quay lại — thậm chí còn vượt mức trước đại dịch — bong bóng yên tĩnh đó đã vỡ và sự khó chịu nhanh chóng trở lại.
Sự bức xúc ấy có thể được xoa dịu nếu du khách cư xử đúng mực. Khi một du khách đến Iceland khắc dòng chữ “Send nudes” lên thảm rêu mọc chậm, vấn đề không nằm ở số lượng người đến, mà ở thái độ thiếu tôn trọng. Tuy nhiên, cũng có lúc chính sự quá tải khiến mọi thứ trở nên không thể chịu nổi. Tại Amsterdam, trong nhiều năm, hàng triệu người đổ về tấm biển “I Amsterdam” trước bảo tàng Rijksmuseum để chụp ảnh. Dù không có hành vi sai trái nào xảy ra, biển hiệu này vẫn bị tháo bỏ vào năm 2018, chỉ vì quảng trường rộng lớn nơi đặt nó cũng không đủ chỗ cho lượng người như vậy.
Phản ứng?
Trước áp lực từ người dân và các hệ lụy xã hội, nhiều chính phủ châu Âu đang cố gắng kiểm soát lượng du khách bằng nhiều biện pháp khác nhau. Một trong số đó là quảng bá các điểm đến thay thế. Một số thành phố như Paris và London đã giới hạn số ngày cho thuê nhà qua Airbnb, tối đa 90 ngày mỗi năm. Tại Scotland và nhiều khu vực ở bang California, chủ nhà cần có giấy phép giới hạn số lượng. Một số nơi thậm chí còn áp dụng lệnh cấm hoàn toàn: New York cấm cho thuê dưới 30 ngày, còn Barcelona đã ngừng cấp giấy phép mới, đồng nghĩa với việc dịch vụ lưu trú hợp pháp tại đây sẽ dần biến mất sau năm 2028.
Bên cạnh đó, đánh thuế cũng là một cách nhằm điều tiết lượng khách hoặc ít nhất là tăng nguồn thu để khắc phục các tác động tiêu cực. Venice hiện thu phí vào cửa vào 54 ngày cao điểm, mức 5 euro nếu đặt trước bốn ngày và 10 euro nếu trễ hơn. Trong khi đó, New Zealand thu phí nhập cảnh một lần với mức khá cao — 100 đô la New Zealand (khoảng 59 đô la Mỹ) — trừ công dân Úc.
Một số thành phố thắt chặt quy hoạch nhằm bảo vệ nền kinh tế địa phương khỏi sự lệ thuộc quá mức vào du lịch. Tại Barcelona, các cửa hàng lâu đời được đưa vào diện bảo tồn. Còn ở Amsterdam, chính quyền cấm mở cửa hàng mới tại trung tâm nếu chỉ phục vụ du khách, đồng thời hỗ trợ vốn cho các tổ chức phi lợi nhuận mở điểm bán thay thế.
Nhằm phân tán lượng khách, trang thông tin du lịch chính thức của Amsterdam giờ đây ưu tiên giới thiệu những địa điểm ít người biết hơn — từ lâu đài ngoại ô, trung tâm nghệ thuật cải tạo từ nhà máy cũ, đến nhà máy bia không sản xuất bia. Ở những nơi khác, biện pháp cứng rắn hơn đã được áp dụng: như dựng rào chắn tại các điểm chụp ảnh nổi tiếng gần núi Phú Sĩ (Nhật Bản) và vùng Alps của Áo để ngăn dòng người kéo đến quá đông.
Tuy nhiên, không một chính phủ châu Âu nào thực sự muốn cắt giảm số du khách. Trên đảo Santorini, nơi hệ sinh thái đang đối mặt với nguy cơ quá tải nghiêm trọng, chính quyền chỉ áp dụng hạn ngạch giới hạn số người đến bằng đường biển ở mức 8.000 mỗi ngày, ưu tiên cho các tàu thân thiện với môi trường, và cấm xây thêm khách sạn. Dẫu vậy, việc cố ý giảm lượng du khách đến Hy Lạp hay các quốc gia Địa Trung Hải khác vẫn là điều bất khả thi về mặt chính trị lẫn kinh tế, khi phần lớn trong số đó phụ thuộc vào thuế du lịch để trả nợ công.
Các biện pháp hạn chế du lịch quá mức có hiệu quả không?
Câu trả lời ngắn gọn: không, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại. Việc giám sát các quy định giới hạn số ngày cho thuê nhà rất khó khăn, nên nhiều chủ nhà có thể vi phạm mà không bị phát hiện. Còn lệnh cấm tại Barcelona vẫn chưa chứng minh được hiệu quả rõ rệt trong việc giải quyết khủng hoảng nhà ở, một phần vì các chủ nhà đã chuyển sang mô hình cho thuê trung hạn với giá cao — hình thức chưa bị kiểm soát — thay vì đưa tài sản quay lại thị trường dài hạn. Hiệu quả thực sự của chính sách này tại Barcelona sẽ khó đánh giá trước khi toàn bộ biện pháp có hiệu lực vào năm 2028.
Thuế du lịch tuy giúp tăng ngân sách nhưng lại không kiểm soát được lượng khách. Theo Greg Richards, giảng viên ngành giải trí và sự kiện tại Đại học Khoa học Ứng dụng Breda, nghiên cứu tại Amsterdam chỉ ra rằng mức thuế lưu trú hiện nay — 12,5% — chỉ khiến du khách do dự nếu tăng lên gấp ba lần. Việc quảng bá các điểm đến yên bình hơn có thể phần nào điều hướng dòng người, nhưng tổng lượng khách du lịch toàn cầu vẫn tiếp tục tăng. Những người “ưa khám phá” rời khỏi các điểm đến quá tải sẽ nhanh chóng được thay thế bằng làn sóng du khách mới, khiến lượng người tại các điểm nổi tiếng không hề giảm.
Thậm chí, việc thu phí cũng có thể gây phản tác dụng. Tại công viên Parc Guell nổi tiếng ở Barcelona do kiến trúc sư Gaudi thiết kế, lượng khách giảm một nửa sau khi thành phố áp dụng phí vào cửa và yêu cầu đặt trước. Người dân địa phương dù được miễn phí, vẫn phải đăng ký, khiến việc vào công viên không còn dễ dàng như trước.
Theo Bloomberg
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/khach-du-lich-co-dang-pha-hong-chau-au-khong-khi-nguoi-dan-phan-doi-53760.html
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
BÀI LIÊN QUAN
Gói đăng ký
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: [email protected]
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media