Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Xuất khẩu nam châm đất hiếm từ Trung Quốc tăng mạnh trong tháng 6, giúp hạ nhiệt căng thẳng thương mại nhưng nguồn cung vẫn ở dưới mức bình thường.
Hình ảnh: Nelson Ching/Bloomberg
Tác giả: Bloomberg News
21 tháng 07, 2025 lúc 2:36 PM
Trung Quốc đã tăng mạnh xuất khẩu nam châm đất hiếm trong tháng 6, bao gồm cả sang Mỹ, sau một giai đoạn thiếu hụt nguồn cung toàn cầu khiến nhiều nhà máy đối mặt nguy cơ đóng cửa và căng thẳng thương mại leo thang.
Theo dữ liệu công bố ngày Chủ nhật, tổng lượng nam châm xuất khẩu đạt 3.188 tấn trong tháng trước, cao hơn gấp đôi so với mức 1.238 tấn của tháng 5 — thời điểm Bắc Kinh bắt đầu siết kiểm soát xuất khẩu. Riêng lượng xuất sang Mỹ tăng lên 353 tấn, so với chỉ 46 tấn của tháng trước đó. Tuy nhiên, tổng kim ngạch xuất khẩu vẫn thấp hơn đáng kể so với mức trước khi Trung Quốc áp dụng biện pháp hạn chế vào đầu tháng 4.
Chính phủ Trung Quốc đã áp dụng hạn chế đối với 7 trong số 17 nguyên tố đất hiếm, bao gồm các loại nam châm có từ tính mạnh được sử dụng trong sản phẩm công nghệ cao như xe điện, điện thoại thông minh và máy bay chiến đấu. Biện pháp này đe dọa làm gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng công nghiệp của Mỹ và buộc Tổng thống Donald Trump phải chấp thuận một thỏa thuận đình chiến thương mại.
Sau khi các nhà đàm phán đạt được thỏa thuận tại Geneva vào tháng 6 nhằm xoa dịu căng thẳng, ông Trump tuyên bố Trung Quốc đã đồng ý cung cấp đầy đủ đất hiếm và nam châm. Ngày 1.7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent xác nhận xuất khẩu nam châm từ Trung Quốc đã tăng trở lại, dù chưa đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu.
Không chỉ nhắm vào Mỹ, các biện pháp siết chặt xuất khẩu của Trung Quốc còn khiến nhiều nhà sản xuất toàn cầu lo ngại về nguy cơ thiếu hụt nguồn cung. Nhiều chính phủ đã kêu gọi Bắc Kinh nới lỏng quy định. Động thái này cũng làm gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc và EU, do ngành ô tô châu Âu phụ thuộc lớn vào nguồn cung nam châm từ Trung Quốc.
Nguồn cung chưa đủ
Số liệu hải quan cho thấy nguồn cung đã cải thiện nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức bình thường. Tổng lượng xuất khẩu trong tháng 6 chỉ bằng khoảng hai phần ba mức trung bình hàng tháng của năm ngoái.
Hiện tại, Trung Quốc sản xuất khoảng 90% lượng nam châm đất hiếm vĩnh cửu trên toàn cầu. Cú sốc nguồn cung trong vài tháng qua đã khiến các chính phủ phương Tây đẩy mạnh nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng thay thế, nhằm giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Đầu tháng này, Lầu Năm Góc đã đồng ý mua cổ phần của MP Materials — công ty khai thác đất hiếm duy nhất tại Mỹ — để hỗ trợ xây dựng một nhà máy sản xuất nam châm quy mô lớn.
Theo một quan chức cấp cao EU, việc cấp phép xuất khẩu cho các doanh nghiệp châu Âu đã cải thiện kể từ sau cuộc gặp giữa Ủy viên thương mại EU Maros Sefcovic và Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào hồi tháng trước. Tuy nhiên, vị này cho biết vẫn còn các vấn đề “mang tính hệ thống” và chủ đề này sẽ được đưa vào chương trình nghị sự tại hội nghị thượng đỉnh EU – Trung Quốc tổ chức ở Bắc Kinh cuối tuần này.
Trong khi đó, Trung Quốc chưa cấp bất kỳ giấy phép xuất khẩu nam châm nào cho các hãng ô tô Ấn Độ kể từ tháng 4. Khoảng 30 hồ sơ vẫn đang chờ xử lý, theo ông Shailesh Chandra, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Ấn Độ, cho biết tại một cuộc họp báo ở Mumbai. Dù vậy, lượng nam châm xuất sang Ấn Độ trong tháng 6 vẫn tăng lên 172 tấn, so với 150 tấn trong tháng 5.
Diễn biến khác
Gói kích thích kinh tế trị giá 1.200 tỉ nhân dân tệ (167 tỉ USD) của Trung Quốc nhằm phát triển thủy điện sạch tại Tây Tạng đang thu hút sự chú ý của chính quyền, bất chấp lo ngại về đa dạng sinh học và căng thẳng với Ấn Độ.
Theo đánh giá của Bloomberg Economics, mức thuế trung bình 40% mà Mỹ đang áp dụng có thể tạo ra tác động tiêu cực lớn đối với ngành công nghiệp Trung Quốc.
Giới chức Trung Quốc tuyên bố sẽ “không khoan nhượng” với các hành vi buôn lậu khoáng sản chiến lược, đồng thời sẽ siết chặt thực thi pháp luật để ngăn chặn việc vận chuyển trái phép và chuyển giao công nghệ không được cấp phép.
Một quan chức cấp cao cho biết Trung Quốc vẫn duy trì hoạt động thương mại toàn cầu trong khuôn khổ hợp lý và không có ý định chi phối thị trường quốc tế. Vị này dẫn chứng số liệu cho thấy tiêu dùng nội địa mới là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế nước này.
Theo Bloomberg
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/trung-quoc-tang-158-xuat-khau-nam-cham-dat-hiem-sau-thoa-thuan-voi-my-53858.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
BÀI LIÊN QUAN
Gói đăng ký
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: [email protected]
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media