Sau 25 năm, thị trường chứng khoán đang đón nhận thế hệ đầu tư thứ ba

Thế hệ đầu tư trẻ, gen Z, những người làm quen với Internet từ lúc mới lọt lòng, sẽ tham gia thị trường chứng khoán. Thay đổi như vậy, đầu tiên đến từ bản thân nhà đầu tư và gia đình.

Minh họa: Hoàng Ngọc Anh

Minh họa: Hoàng Ngọc Anh

Tác giả: Quốc Khánh

17 tháng 07, 2025 lúc 3:18 PM

Tóm tắt bài viết

Thông tin Mỹ áp thuế quan 46% lên hàng hóa Việt Nam làm bốc hơi 776 ngàn tỉ đồng trên thị trường chứng khoán, khiến VN-Index mất 184 điểm từ 3.4 đến 8.4, ảnh hưởng đến hơn 9,6 triệu tài khoản.

Thị trường chứng khoán Việt Nam sau 25 năm đã có hơn 10 triệu tài khoản, vượt mục tiêu năm 2025, với hơn 1.600 công ty niêm yết và giá trị giao dịch năm 2024 đạt hơn 21 ngàn tỉ đồng mỗi phiên.

Ông Phạm Uyên Nguyên, giám đốc đầu tiên của chi nhánh công ty chứng khoán Bảo Việt tại TP.HCM, cho biết thời kỳ đầu giao dịch chứng khoán chủ yếu thủ công do Internet mới phát triển.

Ông Nguyễn Bình Nam muốn con trai Nguyễn Nam Long tự lập và hiểu về bản chất của tiền bạc, đồng thời tạo điều kiện cho con trải nghiệm và học hỏi từ những sai lầm trong đầu tư.

Ông Phạm Uyên Nguyên, cựu giám đốc điều hành VOF của VinaCapital, chia sẻ kinh nghiệm đầu tư không nên mong làm giàu nhanh chóng và đầu tư vào doanh nghiệp là đầu tư vào con người.

Tóm tắt bởi AI HAY

Thông tin Mỹ áp thuế quan 46% với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam khiến 776 ngàn tỉ đồng bốc hơi trên thị trường chứng khoán. Đợt lao dốc từ 3.4 đến 8.4 khiến thị trường mất 184 điểm, để lại trải nghiệm khó quên với chủ của hơn 9,6 triệu tài khoản chứng khoán. “Đó là giai đoạn kinh khủng,” Nguyễn Nam Long chia sẻ. “Có hai ngày lỗ nhất và một ngày lời nhất.”

Đầu tư được bốn năm, Nam Long thuộc thế hệ sinh ra trong kỷ nguyên số trên thị trường chứng khoán. Lớp trẻ nhất có thể tham gia phiên giao dịch đầu tiên sinh ra trước năm 1973 thuộc thế hệ 7x.

2thehe_1(1).jpg
Nguyễn Nam Long.

Sau 25 năm tính từ phiên giao dịch đầu tiên vào tháng 7.2000, thị trường chứng khoán Việt Nam thu hút hơn 10 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán tính đến thời điểm hiện nay, theo số liệu của trung tâm Lưu ký và Bù trừ chứng khoán, vượt một triệu so với mục tiêu của năm 2025. Từ chỗ có một sàn giao dịch vào đầu thiên niên kỷ với bốn cổ phiếu niêm yết, kể từ 2009, tại Việt Nam có ba sàn giao dịch, thu hút hơn 1.600 công ty đại chúng niêm yết. Tổng giá trị giao dịch mỗi phiên trên ba sàn trong năm 2024 đạt hơn 21 ngàn tỉ đồng. Những con số cho thấy, thị trường phát triển cả về quy mô, số lượng doanh nghiệp niêm yết và số lượng nhà đầu tư tham gia.

Phiên giao dịch cuối tháng Sáu vừa qua, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1.376 điểm, tăng 13,7 lần so với khi thị trường mới mở ra. Thị trường chứng kiến 18 năm tăng, xét theo số điểm cuối năm và đầu năm, bảy năm giảm. Tuy biểu đồ theo chiều hướng đi lên, chứng khoán cũng trải qua nhiều biến động, mang lại adrenalin cho nhà đầu tư, chẳng khác gì tham gia trò chơi tàu lượn siêu tốc.

Thời kỳ đầu, có vài cổ phiếu niêm yết, người mua nhiều hơn người bán, “giao dịch toàn trắng bên bán,” ông Phạm Uyên Nguyên, người giữ chức giám đốc đầu tiên của chi nhánh công ty chứng khoán Bảo Việt ở TP.HCM, kể.

2thehe_4.jpg
Ông Phạm Uyên Nguyên. 

Lúc đó, Internet mới vào Việt Nam được ba năm, nên giao dịch chủ yếu thực hiện theo phương cách thủ công. Các nhà đầu tư phải sắp hàng, lấy số thứ tự, viết lệnh mua, bán trên giấy, nộp cho công ty giao dịch. Các lệnh được gửi tới nhân viên công ty trực ở sàn, sau đó nhân viên nhập lệnh vào máy tính. Để có lợi thế khi khớp lệnh, nhân viên nhập phải có kỹ năng gõ máy tính nhanh. Đã một phần tư thế kỷ trôi qua, ông Nguyên vẫn còn đọc ngay họ và tên của người nhập lệnh nhanh nhất thời ấy: Hồ Vĩnh Phương. 12 năm sau, vị này giữ chức giám đốc chi nhánh công ty Chứng khoán Hà Nội – Sài Gòn.

Trước khi trở thành giám đốc chi nhánh phía Nam của công ty Chứng khoán Bảo Việt, doanh nghiệp nhận giấy phép số 01 của ngành chứng khoán, ông Nguyên với kiến thức tài chính và kinh nghiệm thực tập ở sàn giao dịch chứng khoán ở Mỹ, tham gia thỉnh giảng về chứng khoán và tài chính của đại học Mở. Ông cũng là một trong số những người dạy các khóa chứng khoán cơ bản và nâng cao để thi lấy ba chứng chỉ, tiêu chuẩn hành nghề mô giới chứng khoán. Lớp người theo học lấy chứng chỉ thời kỳ đầu, theo ông Nguyên, một số về sau làm “lãnh đạo ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán.”

Sau ba năm làm ở công ty Chứng khoán Bảo Việt, ông Nguyên đầu quân cho Vinacapital, quỹ do ông Don Lam và cộng sự sáng lập năm 2003. Ông Nguyên giữ vai trò giám đốc điều hành công ty VinaCapital Investment Management, đơn vị quản lý VOF (Vietnam Opportunity Fund), một trong những quỹ lớn và thành công của VinaCapital, cho tới năm 2007, lúc thị trường đạt đỉnh hơn 1.100 điểm, mới thôi làm giám đốc điều hành.

Thời kỳ ông Nguyên điều hành VOF, cũng là giai đoạn đầy hứng khởi của thị trường chứng khoán, khi nền kinh tế Việt Nam gia nhập APEC, trở thành thành viên tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cùng với việc chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của các doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa như Vinamilk, dược Hậu Giang, hay FPT.

Cổ phiếu FPT chào sàn cuối năm 2006, với thị giá mỗi cổ phiếu 370 ngàn đồng, sau đó tăng lên tới đỉnh 680 ngàn đồng. Riêng FPT thời đó có trên 100 triệu phú đô la Mỹ, một số mất động lực làm việc, nghỉ việc để đầu tư chứng khoán. Trong cơn hưng phấn đó, đâu đâu cũng thấy nhắc tới chứng khoán, từ công chức, lao động tự do cho tới người về hưu. Người viết có lần chứng kiến đôi vợ chồng trên 60 tuổi, viết lệnh còn không nhớ ba chữ cái của mã lệnh.

Cơn hưng phấn chứng khoán không dừng ở nhà đầu tư cá nhân, mà còn lan ra doanh nghiệp. Nhiều đơn vị mở rộng ngành nghề, đầu tư ra ngoài ngành, từ các tập đoàn của nhà nước cho tới doanh nghiệp tư nhân. Tiền từ nước ngoài đổ vào thị trường, hòa chung với dòng tiền huy động được trên thị trường, cứ thế đổ vào các ngành nóng như bất động sản, ngân hàng, chứng khoán. Số liệu được Thời báo Kinh tế Việt Nam đăng tải, tính đến cuối 2007, 16 tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, với tổng vốn lên tới 4.965 tỉ đồng. 12 doanh nghiệp đầu tư 6.518 tỉ đồng trong lĩnh vực tài chính, bảo hiểm. Giai đoạn 2007-2008 có sáu ngân hàng được cấp phép, hơn 100 công ty chứng khoán hoạt động tính đến cuối thời điểm 2008.

Khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến bong bóng tài sản vỡ vụn, cũng là đợt sàng lọc khắc nghiệt trên thị trường chứng khoán. Không còn trắng bên bán như năm đầu tiên, mà là trắng bên mua, đến mức cơ quan quản lý phải khống chế biên độ giao dịch về mức 1% với sàn TP.HCM và 2% ở sàn Hà Nội. “Ban đầu, đặt biên độ giao dịch 5%, theo giải thích của ông Vũ Bằng, chủ tịch ủy ban Chứng khoán đầu tiên ở Việt Nam, nhằm ổn định thị trường,” ông Phạm Uyên Nguyên kể.

Tuy thị trường chứng khoán Việt Nam chưa thể làm tốt vai trò hàn thử biểu của nền kinh tế, do số lượng doanh nghiệp niêm yết không đa dạng, song cũng phần nào phản ánh được khả năng vận động của doanh nghiệp, cũng như các chính sách phục hồi kinh tế thông qua tái cấu trúc các ngành ngân hàng, hay sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước. Chứng khoán từng bước hồi phục trong giai đoạn 2010-2015.

Khi kết quả bước đầu của việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng xây trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài không ngừng tăng, với các dự án quy mô trên tỉ đô la không còn là hiếm, một loạt doanh nghiệp, đặc biệt là khối ngân hàng, bắt đầu lên sàn chứng khoán, kéo theo lớp đầu tư thế hệ hai hình thành và phát triển. Đỉnh điểm là giai đoạn 2020 cho tới nay, việc hạn chế đi lại do Covid và Internet, ứng dụng di động phát triển, nhà đầu tư tham gia càng đông và càng trẻ hơn.

Danh mục của Nam Long hiện nay khoảng 50-70 triệu đồng, với 80% là blue-chips. Nhà đầu tư trẻ này có trải nghiệm khó quên với cú sốc từ ảnh hưởng thuế quan của Mỹ. Trải nghiệm lúc lên đỉnh, lúc xuống đáy trong đầu tư chứng khoán cũng tạo ra adrenalin chẳng khác gì chơi các trò chơi cảm giác mạnh. Khoản lỗ “ghê gớm” của cậu rơi vào cổ phiếu công ty công nghệ. Còn lời? “Cháu mua một mã cổ phiếu ngân hàng lúc giá giảm đến mức chẳng phải phân tích,” Long nói.

Đầu tư, với cậu bé này, không phải làm giàu, mà là “trải nghiệm những gì bạn cùng lứa tuổi chưa có.” Hứng thú đó đưa Nam Long đến với lập trình, trí tuệ nhân tạo và đầu tư chứng khoán. “Ở khối bảy cùng trường (Trần Đại Nghĩa), cháu biết năm bạn có tham gia đầu tư, kể cả crypto.”

Tài chính là đề tài ít được nhắc tới trong các cuộc trò chuyện gia đình của người Việt. Ông Nguyễn Bình Nam, ba của Nam Long, cho biết, ông muốn con tự lập, bắt đầu từ việc rất nhỏ như tự đi học, tự tìm hiểu. “Nam Long có tư duy kinh doanh, kèm với phân tích, phản biện từ nhỏ,” ông Nam nói. Cùng bạn bè, Nam Long từng kinh doanh nước ngọt và bán đồ chơi cùng thức ăn cho bạn học, “khiến gia đình bị trường nhắc nhở,” theo lời ông Nam. “Tôi muốn con tôi hiểu về bản chất của tiền, mặt tốt, mặt xấu và làm sao quản trị tài chính trong tương lai.”

Lợi thế của Nam Long là không sợ lỗ, “do cha mẹ gánh lỗ,” theo lời giải thích của ông Nam. Cái được, không hẳn là quyền sử dụng một phần tiền lời theo ý thích, mà là cơ hội sửa sai với người trẻ như Long còn rất nhiều. Đối với cậu, “cháu sai là cháu biết liền,” nhưng “té ở đâu, cháu tự đứng dậy ở đó.”

Còn nhà đầu tư thời kỳ đầu như ông Nguyên thì sao? “May mắn là tôi quên đi các sai lầm! Chứ sai thì nhiều lắm!” Bài học kinh nghiệm mà nhà đầu tư sinh năm 1968 này muốn chia sẻ, đầu tư cổ phiếu không thể mong muốn làm giàu nhanh. “Quan trọng không kém, đầu tư vào doanh nghiệp là đầu tư vào con người,” ông nói. 20 năm đầu tư, nắm giữ chức vụ chủ tịch hội đồng quản trị công ty dược An Giang, ông Nguyên, người rời VOF vì “đạt được tự do tài chính,” theo tự bạch, tiết lộ tỉ suất đạt được 30 lần. “Quan trọng hơn là công ty phát triển từ một nhà máy lên ba nhà máy,” ông nói. “Trước kia, doanh số mơ ước là 10 tỉ đồng, nay doanh số mơ ước là 1.000 tỉ đồng.”

Không nắm giữ lâu, Nam Long giữ cổ phiếu từ vài tháng đến hai năm, “phù hợp với độ tuổi.” “Giờ cháu đang được tự do tài chính, nhưng từ 18 tuổi, cháu mới phải lo,” Nam Long, người đang thực tập tại công ty OplaCRM do ông Nam sáng lập, nói. Mục tiêu Hè này của Long: Tìm được 1.000 người sử dụng sản phẩm ở Mỹ.

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/sau-25-nam-thi-truong-chung-khoan-dang-don-nhan-the-he-dau-tu-thu-ba-53808.html

#đầu tư
#gen Z
#chứng khoán việt nam
#Premium#

BÀI LIÊN QUAN

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Gói đăng ký

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: [email protected]

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: [email protected]

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media