Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Cổ phiếu đang chiếm sóng, nhưng nhà đầu tư có nên bỏ qua bất động sản, tiền gửi hay vàng? Hãy cùng xem ý kiến của các chuyên gia về tỉ trọng phân bổ hợp lý cho nửa cuối năm nay.
Hình ảnh: Shutterstock
Tác giả: Nga Lê
14 tháng 07, 2025 lúc 5:39 AM
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có một số yếu tố bất định, Việt Nam bước vào nửa cuối năm 2025 với nền tảng vĩ mô ổn định và nhiều điểm sáng rõ nét. GDP sáu tháng đầu năm tăng 7,52%, lạm phát được kiểm soát dưới 4% và dòng vốn FDI tiếp tục đổ mạnh, bất chấp những áp lực thương mại bên ngoài. "Việt Nam tiếp tục là điểm sáng khi duy trì ổn định vĩ mô với các chỉ số tích cực rõ rệt hơn so với cùng kỳ năm trước," ông Võ Nguyễn Khoa Tuấn, giám đốc nghiệp vụ cấp cao, lĩnh vực chứng khoán tại Dragon Capital, nhận định. "Việc tái cơ cấu nền kinh tế và giảm đầu mối hành chính sẽ tối ưu nguồn lực và nâng cao vị thế trong mắt nhà đầu tư."
Trong bối cảnh đó, nhà đầu tư đứng trước nhiều lựa chọn phân bổ tài sản – từ cổ phiếu, bất động sản đến vàng, trái phiếu và tiền gửi. Dù không có công thức chung, các chuyên gia đều thống nhất rằng cổ phiếu đang giữ vai trò trung tâm trong danh mục, nhưng vẫn cần sự hiện diện của kênh tiền gửi, bất động sản và vàng – vốn gắn bó lâu dài với tâm lý đầu tư của người Việt.
Ông Lê Chí Phúc, tổng giám đốc SGI Capital, cho rằng sau giai đoạn tăng mạnh của các kênh như bất động sản, vàng và tiền mã hóa từ 2022 đến nay, sức hấp dẫn đã giảm, đòi hỏi nhà đầu tư phải chọn lọc kỹ lưỡng hơn. Trong khi đó, thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở nền giá thấp hơn năm 2022, nhiều doanh nghiệp đang tích lũy nội tại với mức giá cổ phiếu hấp dẫn. Ngoài khả năng tận dụng cơ hội tăng trưởng trong kỷ nguyên mới, nhiều cổ phiếu hiện nay còn có khả năng trả cổ tức tiền mặt cao mang lại lợi thế kép cho nhà đầu tư. Ông nhấn mạnh "Cổ phiếu là kênh nên ưu tiên cho mục tiêu tăng trưởng dài hạn."
Theo ông Tuấn, trong 2–3 năm gần đây chứng khoán đã mang lại hiệu suất rất khả quan, trung bình lợi nhuận khoảng 20% mỗi năm. Nhà đầu tư thận trọng có thể phân bổ 20–30% vào cổ phiếu, trong khi người chấp nhận rủi ro và có khả năng nắm giữ dài hạn có thể đầu tư 50–70%. "Theo thống kê năm 2024 tại Mỹ, người giàu có thường giữ 47% tài sản dưới dạng cổ phiếu," ông cho biết.
“Nhà đầu tư có thể cân nhắc duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức 35–40% danh mục,” bà Nguyễn Thị Mỹ Liên, trưởng khối Phân tích tại công ty chứng khoán Phú Hưng khuyến nghị, đồng thời nhấn mạnh việc ưu tiên các doanh nghiệp có nền tảng tốt và khả năng chống chịu với biến động thị trường. Ông Trương Hiền Phương, giám đốc cấp cao công ty chứng khoán KIS Việt Nam đánh giá P/E thị trường đang thấp hơn trung bình lịch sử và so với một số nước trong khu vực, cùng kỳ vọng nâng hạng có thể tạo lực đẩy cho thị trường.
Song song với cổ phiếu, bất động sản vẫn là kênh đầu tư được ưa chuộng nhờ tính tích lũy dài hạn. Ông Phương khuyến nghị phân bổ 20–30%, còn bà Liên cho rằng 20% là hợp lý nếu chọn đúng sản phẩm pháp lý rõ ràng, khả năng thanh khoản và khai thác tốt. Bất động sản tiếp tục hưởng lợi từ xu hướng phát triển mạnh cơ sở hạ tầng, tuy nhiên mặt bằng giá cao và nguồn cung tăng mạnh từ 2026 sẽ kìm hãm đà tăng giá, ông Phúc nhận định. Các chuyên gia đồng thuận rằng phân khúc đất nền và chung cư là điểm sáng nhờ nhu cầu nhà ở thực cao. Khu vực phía Nam gồm TP.HCM, Đồng Nai, Long An, Bình Dương tiếp tục hút dòng tiền nhờ yếu tố địa giới và hạ tầng mở rộng.
"Sau giai đoạn tăng giá đáng kể từ năm 2023, vàng không còn là kênh đầu tư hấp dẫn," ông Tuấn đánh giá. Hơn nữa, vàng đang cho thấy phản ứng yếu với các thông tin hỗ trợ gần đây. Dù vẫn là kênh phòng thủ trong bối cảnh bất ổn, nhưng do chênh lệch lớn với giá vàng thế giới, bà Liên khuyến nghị chỉ nên phân bổ khoảng 10% danh mục để kiểm soát rủi ro.
Tiền gửi luôn là lựa chọn đáng xem xét để đảm bảo tính an toàn và linh hoạt cho danh mục. Ông Phương đề xuất "nhà đầu tư thận trọng có thể giữ 50–60% tiền gửi, 20–30% bất động sản và còn lại cho cổ phiếu."
Với trái phiếu doanh nghiệp, bà Liên đánh giá chỉ nên phân bổ tối đa 5% và chọn doanh nghiệp phát hành có nền tảng tài chính lành mạnh, hoạt động minh bạch. “Ưu tiên doanh nghiệp có dòng tiền ổn định và tỷ lệ vay nợ thấp,” ông Phúc bổ sung, “tham khảo mức tín nhiệm của doanh nghiệp từ các tổ chức uy tín như Fiin Ratings.”
Mỗi kênh đầu tư đều đi kèm mức sinh lời kỳ vọng và mức độ rủi ro riêng. Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều biến động, việc phân bổ tài sản một cách hợp lý trở thành yếu tố then chốt giúp nhà đầu tư bảo toàn giá trị danh mục, đồng thời nắm bắt hiệu quả các cơ hội tăng trưởng mới.
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/dau-tu-nua-cuoi-2025-nen-do-tien-vao-dau-ky-1-53758.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
BÀI LIÊN QUAN
Gói đăng ký
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: [email protected]
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media