Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Tài chính
"Private Banker" khám phá thế giới quản lý tài sản tại Nhật Bản, nơi các quản gia tài sản giải quyết tranh chấp thừa kế, lừa đảo tài chính và thay đổi tư duy đầu tư cá nhân.
Minh họa: Maggie Cowles
Tác giả: Takashi Nakamichi
07 tháng 02, 2025 lúc 4:38 PM
Tranh chấp thừa kế, ngoại tình, lừa đảo Ponzi—tất cả đều là một phần trong công việc của “quản gia tài chính" đều có trong phim đang nóng ở Nhật Bản - "Private Banker".
Với bộ vest ba mảnh, mái tóc hoa râm được vuốt ngược và cây dù đen kiêm gậy chống, Koichi Anno tạo nên một hình tượng đầy uy lực. Người đàn ông 58 tuổi này chăm chú nhìn qua cặp kính gọng đen khi tư vấn cho một thân chủ đang ngập trong nợ nần.
“Tôi là một private banker,” ông nói, ngừng lại để tạo hiệu ứng kịch tính. “Một người hành nghề tự do, tận tụy bảo vệ tài sản của khách hàng. Có thể coi tôi là một quản gia tài chính.”
Anno không phải là một nhà tài chính thông thường. Ông là nhân vật chính hư cấu trong bộ phim truyền hình Private Banker—tác phẩm phát sóng khung giờ vàng của TV Asahi, ra mắt tại Nhật Bản vào tháng trước và hiện có trên Netflix.
Bộ phim mở ra một thế giới của các tỉ phú, những mô hình lừa đảo tài chính tinh vi, tranh chấp thừa kế và những mối quan hệ ngoài hôn nhân. Anno—do diễn viên Toshiaki Karasawa thủ vai—đóng vai trò trung tâm với tư cách một “người dàn xếp” không thể thiếu.
Bối cảnh kinh tế và xu hướng quản lý tài sản tại Nhật Bản
Bộ phim phản ánh mối quan tâm ngày càng lớn đối với quản lý tài sản tại Nhật Bản, khi nền kinh tế đang từng bước thoát khỏi nhiều thập niên giảm phát và hậu quả của cú sụp đổ thị trường chứng khoán đầu thập niên 1990. Đồng thời, Private Banker cũng phản ánh sự thay đổi trong quan niệm về tài sản của người Nhật—từ lâu vốn đề cao sự tiết kiệm và né tránh phô trương. Trong khi các bộ phim Mỹ từ Dallas (1980) đến Succession (2020) thường khai thác lối sống xa hoa của giới siêu giàu, truyền hình Nhật Bản trước đây hiếm khi đề cập trực diện đến chủ đề này.
“Bày tỏ sự giàu có từng bị coi là phi đạo đức,” Mirai Matsuki, một chuyên gia quản lý tài sản tại Tokyo và là khán giả trung thành của bộ phim, nhận xét. “Nhưng điều đó đang dần thay đổi khi ngày càng có nhiều người nhận được sự ngưỡng mộ khi chia sẻ tài sản của họ trên mạng xã hội.”
Ngay từ phân cảnh mở đầu, Private Banker đã tràn ngập hình ảnh xa hoa, với sự xuất hiện của tỉ phú thương mại điện tử Yusaku Maezawa trên chuyên cơ riêng trị giá 10 tỉ yên (64 triệu USD).
Nhà sản xuất Takato Akiyama chia sẻ rằng ông lần đầu tiếp xúc với lĩnh vực ngân hàng tư nhân cách đây một thập niên khi nghiên cứu cho một dự án khác và lập tức bị cuốn hút. “Tôi luôn tìm kiếm những nhân vật mới lạ và thú vị khi sản xuất phim truyền hình,” ông nói. “Tôi chọn private banker vì nhân vật này có thể truyền tải những hiểu biết về tài chính mà khán giả ngày nay cần đến.”
Sự ra mắt của bộ phim cũng rất đúng thời điểm. Nhật Bản đang chứng kiến làn sóng đầu tư cá nhân bùng nổ nhờ chính sách ưu đãi thuế của chính phủ và sự trở lại của lạm phát. Theo Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Nhật Bản, năm ngoái, các nhà đầu tư cá nhân đã rót 12,8 nghìn tỉ yên vào thị trường chứng khoán thông qua mười công ty môi giới lớn nhất—gấp hơn ba lần so với năm 2023.
Tuy nhiên, sự thay đổi từ tích trữ tiền mặt sang đầu tư cũng kéo theo nguy cơ gia tăng các mô hình lừa đảo tài chính. “Tôi hy vọng bộ phim sẽ thu hút những người quan tâm đến tài chính nhưng chưa có cơ hội tìm hiểu về lĩnh vực này,” Akiyama cho biết. Để tạo tính chân thực, ông đã gặp gỡ nhiều chuyên gia ngân hàng, kế toán, quan chức thuế và giới siêu giàu Nhật Bản trong quá trình nghiên cứu để làm phim.
Sự phát triển của ngành ngân hàng tư nhân tại Nhật Bản
Ngành quản lý tài sản tư nhân đang tăng trưởng mạnh tại Nhật Bản. Theo UBS Group AG, năm 2023, Nhật Bản có 2,8 triệu triệu phú USD, gần bằng Pháp và Đức, trong khi con số này tại Mỹ là 22 triệu. Dự báo đến năm 2028, số triệu phú tại Nhật Bản sẽ tăng lên 3,6 triệu. Trước xu hướng này, các ngân hàng và công ty môi giới tại Nhật Bản đang đẩy mạnh hoạt động quản lý tài sản để phục vụ phân khúc khách hàng giàu có ngày càng mở rộng.
Dù không trực tiếp cung cấp bí quyết đầu tư, Private Banker vẫn có thể giúp khán giả tiếp thu một số kiến thức tài chính. Nhân vật Anno thường xuyên giải thích các khái niệm tài chính cho những nhân vật khác, thậm chí có cảnh ông sử dụng bảng trắng để minh họa.
Trong phim, Anno chủ yếu làm việc cho Takehiro Tenguji, chủ tịch 79 tuổi của tập đoàn dịch vụ thực phẩm lớn nhất Nhật Bản với khối tài sản 700 tỉ yên (4,5 tỉ USD). Trong tập đầu tiên, Tenguji nhờ Anno cứu một tiệm bánh bao yêu thích, khi chủ tiệm rơi vào cảnh nợ nần do đầu tư vào một mô hình Ponzi.
Cốt truyện phức tạp khi chủ tiệm bị người anh cùng cha khác mẹ và một chủ ngân hàng thương mại lừa gạt tài sản thừa kế. “Cô đã trở thành con mồi vì không hiểu biết về tài chính,” Anno nói với bà chủ tiệm. Nhưng cuối cùng, ông vén màn âm mưu và giải cứu tình thế. “Kiến thức và khả năng hành động là chìa khóa,” ông khẳng định.
Sang tập hai, Anno tiếp tục điều tra vụ ám sát con trai cả của Tenguji, người bị đẩy ngã xuống cầu thang. Hóa ra, anh ta có tới sáu tình nhân, với các khoản chi tiêu xa xỉ được hợp thức hóa qua sổ sách công ty.
Akiko Okada, phó giáo sư tại Đại học Tokai, nhận xét rằng hiếm có phim truyền hình Nhật Bản nào đề cập đến giới đầu tư cá nhân hay giới siêu giàu, có lẽ do quan niệm bình đẳng lâu đời—coi toàn bộ xã hội Nhật Bản đều thuộc tầng lớp trung lưu.
Tuy nhiên, Anno không hoàn toàn đứng về phía tầng lớp thượng lưu mà còn truyền đạt trí tuệ tài chính cho những người yếu thế. Thành công của bộ phim sẽ phụ thuộc vào cách những tuyến nhân vật này được khai thác, bà Okada nhận định.
Trong khi đó, chuyên gia quản lý tài sản Matsuki—hiện đang xây dựng đội ngũ quản lý tài sản tại J Trust Global Securities Co.—cho rằng thực tế ngành private banking ít kịch tính hơn so với trên phim. “Chúng tôi hiếm khi giải quyết tranh chấp gia đình hay điều tra tội phạm,” ông đùa. “Nhưng dù sao đi nữa, tôi cũng rất vui khi nghề nghiệp của mình ngày càng được biết đến rộng rãi.”
Theo Bloomberg
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/private-banker-bo-phim-truyen-hinh-kham-pha-the-gioi-bi-an-cua-gioi-sieu-giau-nhat-ban-52776.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
Gói đăng ký
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: [email protected]
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media