Phong lưu

Người càng giàu, du thuyền càng to

Cuốn sách "Haves and Have-Yachts" của Evan Osnos khám phá tình trạng bất bình đẳng giàu nghèo ngày càng nặng và những ảo tưởng mà giới siêu giàu tự tạo ra để biện minh cho khối tài sản khổng lồ của mình.

Minh hoạ:  Valentin Pavageau

Minh hoạ: Valentin Pavageau

Tác giả: Madison Darbyshire

03 tháng 06, 2025 lúc 2:00 PM

Năm 2023, nhà báo Evan Osnos nhận ra điều gì đó đã thay đổi ở nước Mỹ khi chứng kiến một nhóm thiếu niên 13 tuổi mồ hôi nhễ nhại, la hét trong bữa tiệc bar mitzvah có rapper Flo Rida biểu diễn, được tổ chức bởi con trai một giám đốc tài chính giàu có.

Từ nhiều thập niên trước, giới trẻ giàu có tại Mỹ đã thuê các nghệ sĩ lớn biểu diễn riêng. MTV từng ghi lại xu hướng này trong loạt phim My Super Sweet 16. Tuy nhiên, vài năm gần đây, ngày càng nhiều người sẵn sàng “ném 150.000 đô la vào một ngày thứ Năm” để mời Foo Fighters biểu diễn tại sân sau nhà, theo tay trống Charles Ruggiero.

Osnos cho biết Mỹ hiện có hơn 800 tỉ phú, so với chỉ 66 người năm 1990. Từ sau lễ nhậm chức đầu tiên của Tổng thống Donald Trump đến nay, tổng tài sản của nhóm siêu giàu Mỹ đã tăng hơn gấp đôi. Trong cuốn sách The Haves and Have-Yachts: Dispatches on the Ultrarich (Scribner, phát hành ngày 3 tháng 6), Osnos — cây bút kỳ cựu của tạp chí The New Yorker — đưa độc giả tiếp cận những khối tài sản khổng lồ đến mức khó tưởng tượng. Tác phẩm tập hợp các bài viết của ông từ năm 2017 đến 2024, kèm phần kết mới, lý giải cách nước Mỹ đã dung dưỡng sự chênh lệch tài sản đến mức có thể làm lung lay nền tảng quốc gia và đe dọa đến sự ổn định toàn diện.

Sau khi ông Trump lên nắm quyền, Osnos viết rằng “rạn nứt cốt lõi trong chính trị Mỹ chính là sự bất bình đẳng”. Tuy nhiên, ông cho rằng tình trạng này không mới — chỉ là mức độ phẫn nộ trong xã hội ngày càng lớn. Theo Osnos, giới siêu giàu đã chủ động tạo ra khoảng cách đó thông qua chính sách, vận động chính trị và những thỏa hiệp đạo đức nhằm bảo vệ lợi ích cá nhân.

Ông chỉ ra rằng sự tập trung vào tầng lớp lao động bị bỏ rơi và mức lương tối thiểu chỉ tăng 20% trong 25 năm qua là cách nhìn sai lệch hoặc quá đơn giản. “Quan điểm đó bỏ qua tác động của việc tầng lớp cầm quyền sống tách biệt khỏi phần còn lại xã hội, khiến họ bóp méo bản sắc chính trị đất nước bằng cách cực đoan hóa quan điểm trung dung và làm tê liệt các chức năng cơ bản của nhà nước. Chúng ta — hoặc họ, tùy vị trí bạn đứng — đã rút về sau những bức tường hào nhoáng,” ông viết.

Osnos đặc biệt lưu ý đến thị trấn Greenwich, bang Connecticut — trung tâm của các quỹ đầu cơ và nơi tập trung nhiều tỉ phú nhất nước Mỹ. Những bức tường quanh các khu nhà ở đây ngày càng cao, đến mức chính quyền các vùng lân cận phải ban hành quy định để ngăn xu hướng này lan rộng.

Trong bài phát biểu chia tay tại Phòng Bầu Dục, Tổng thống Joe Biden từng cảnh báo về một cuộc khủng hoảng đang hình thành: “Hiện nay, nước Mỹ đang chứng kiến sự trỗi dậy của một tầng lớp tài phiệt, sở hữu mức tài sản, quyền lực và ảnh hưởng cực đoan đến mức có thể đe dọa nền dân chủ, quyền cơ bản và cơ hội của mọi người,” ông nói.

Tại lễ nhậm chức của ông Trump vài ngày sau đó, Osnos nhận xét: “Số lượng tỉ phú ở Mỹ hiện nhiều đến mức các lãnh đạo Quốc hội còn bị đẩy xuống ngồi hàng ghế khán giả.”

haves-and-have-yachts.jpg

Câu hỏi ám ảnh mà Have-Yachts đặt ra là liệu nước Mỹ đã đến điểm “một đi không trở lại” hay chưa. Nếu đúng như cảnh báo của Louis Brandeis — thẩm phán tương lai của Tối cao Pháp viện — vào năm 1913, thì có những cá nhân sở hữu khối tài sản “lớn đến mức các lực lượng xã hội và công nghiệp thông thường không đủ sức đối phó.”

Sau Thế chiến, khi tầng lớp trung lưu tại Mỹ mạnh lên (dù yếu tố này không được Osnos khai thác nhiều), một số triệu phú đã chú ý đến làn sóng bất mãn đang lan rộng tại châu Âu. Trước áp lực phản đối tình trạng bất bình đẳng trong thời kỳ Gilded Age, họ đã chấp nhận cải cách — chuyển một phần tài sản phục vụ lợi ích công và đồng ý chịu mức thuế cao hơn.

Nhiều chính sách điều chỉnh dưới thời Tổng thống Franklin D. Roosevelt — như tăng quyền cho công đoàn và nâng lương tối thiểu — “được áp dụng lên chính tầng lớp thống trị,” theo nhà sử học Peter Turchin trong cuốn End Times: Elites, Counter-Elites, and the Path of Political Disintegration. Từ năm 1925 đến 1950, số triệu phú ở Mỹ giảm từ 1.600 xuống dưới 900, theo ghi chép của Osnos.

Tuy nhiên, điều Osnos liên tục nhấn mạnh là sự bền bỉ của giới tài phiệt và khát vọng bảo vệ tài sản bằng mọi giá.

Trong thập niên 1970, khoảng cách thu nhập từng được thu hẹp đáng kể — một giai đoạn được gọi là “nén bất bình đẳng.” Nhưng đến thập niên 1980, giới siêu giàu nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng tài sản. Không còn mặn mà với cải cách xã hội, họ bắt đầu rót tiền vào chính trị để vận động cho một hệ thống thuế nhẹ hơn, ít quy định hơn và khó bị giám sát hơn. Osnos ghi nhận: nước Mỹ hiện đang bước vào “thời kỳ hoàng kim của những kẻ né thuế.” So với thập niên 1970, thuế suất cận biên đối với người giàu đã bị cắt hơn một nửa, còn thuế thừa kế gần như không còn tồn tại.

Tuần trước, các nghị sĩ Cộng hòa thúc đẩy một dự luật thuế mới trị giá gần 4.000 tỉ USD, trong đó phần lớn ưu đãi dành cho các hộ gia đình giàu có, theo phân tích của Phòng thí nghiệm Ngân sách thuộc Đại học Yale. Tất nhiên, chỉ áp dụng với những người còn đóng thuế.

Một nhà quản lý tài sản từng làm việc cho người thừa kế tập đoàn Getty tiết lộ rằng mong muốn hành xử đúng đắn không thể thắng nổi khát khao trốn thuế: “Một hệ thống sẽ luôn tìm mọi cách để tự bảo vệ chính nó,” người này nói với Osnos.

Qua nhiều năm điều tra, Osnos cho thấy phần lớn giới siêu giàu Mỹ trong sáu thập niên qua đã tích cực ủng hộ chương trình nghị sự bảo thủ hiện đại — điều mà cố vấn của Tổng thống John F. Kennedy, John Kenneth Galbraith, từng mô tả năm 1963 là “một trong những nỗ lực lâu đời, được tài trợ mạnh tay, được hoan nghênh rộng rãi, và nhìn chung là thất bại nhất trong lịch sử triết học đạo đức: Tìm kiếm một lý do đạo đức cao cả cho sự ích kỷ.” Theo Osnos, để đổi lấy lời hứa về thuế thấp và ít ràng buộc, giới giàu sẵn sàng chấp nhận “một thứ chính trị cho phép sự hiện diện của sự tàn nhẫn, miễn là nó mang lại lợi nhuận.”

Cuốn sách cho rằng một cơ chế phân phối tài sản công bằng hơn, cùng với việc tăng đầu tư cho giáo dục, y tế và nhà ở công, có thể giúp giảm căng thẳng xã hội. Nhưng thực tế cho thấy tầng lớp giàu nhất đang siết chặt quyền sở hữu tài sản và ngày càng sống tách biệt với phần còn lại của xã hội — cả về tư tưởng lẫn địa lý.

Một số người thậm chí đã chuẩn bị cho kịch bản nước Mỹ sụp đổ. Tại Thung lũng Silicon, nhiều người được cho là đã mua “bảo hiểm ngày tận thế,” theo Osnos — như hầm trú ẩn hoặc nơi ẩn náu trong trường hợp xã hội tan rã. “Mỗi người sợ một kiểu, nhưng nhiều người tin rằng nếu trí tuệ nhân tạo tiếp tục cướp việc làm, làn sóng phản kháng sẽ quét qua và san bằng Thung lũng Silicon.” Ví dụ như Steve Huffman — triệu phú và đồng sáng lập Reddit — đã chuẩn bị sẵn mô tô, súng và lương thực.

Biểu tượng cuối cùng cho khát khao sống tách biệt của giới giàu có lẽ là du thuyền — đỉnh cao của sự xa xỉ, với đại dương làm hào nước ngăn cách họ với phần còn lại của thế giới. Năm 2022, theo lời một môi giới du thuyền kể với Osnos, nước Mỹ đã trải qua “thời kỳ bùng nổ lớn nhất trong lịch sử ngành du thuyền”, khi người giàu ngày càng giàu hơn và theo đuổi lối sống giãn cách xã hội ở mức cực đoan. Và khi các khu biệt lập của giới thượng lưu ngày càng xa rời phần còn lại, những chiếc du thuyền cũng trở nên đồ sộ hơn. Osnos viết: một chiếc siêu du thuyền (gigayacht) là “món hàng đắt nhất mà loài người từng tìm ra cách để sở hữu”.

Chỉ tỏ ra hơn người bình thường là chưa đủ, một vị khách trên du thuyền giải thích với Osnos. Mục tiêu là chứng minh rằng mình vượt trội cả so với những người cùng đẳng cấp. “Anh có tài xế, tôi cũng có tài xế. Anh bay máy bay riêng, tôi cũng bay riêng. Vậy nên, nơi duy nhất tôi có thể cho thế giới thấy tôi thuộc một đẳng cấp hoàn toàn khác chính là con thuyền này.”

Trở nên siêu giàu mang lại một cảm giác rất dễ chịu. Việc có quá nhiều trong khi phần lớn người khác không có gì khiến người giàu thấy mình đặc biệt. Sự tự huyễn hoặc là điều tất yếu. Khoảng cách giữa việc tin rằng mình xứng đáng với khối tài sản khổng lồ và việc tin rằng mình vượt trội về mọi mặt thực ra không lớn.

Hơn nữa, như Osnos nhận xét, sống trong xa xỉ rất dễ thành thói quen. Người sáng lập một nhóm hỗ trợ cho tội phạm cổ cồn trắng từng nói với ông rằng, đây giống như nơi dành cho “những người đang cố cai nghiện quyền lực và ảnh hưởng”.

Khi thực hiện phóng sự về du thuyền, Osnos đã đến Monaco — nơi được xem là trung tâm phô trương sự giàu có bậc nhất thế giới. Tạp chí của ông không đủ ngân sách để chi trả khách sạn địa phương, nhưng ông hiểu rằng những đặc quyền thực sự chỉ dành cho người không cần đến chúng. Nhờ một mối quan hệ, ông được sắp xếp nghỉ tại một câu lạc bộ chỉ dành cho giới du thuyền. “Chỉ sau một đêm trong cabin, tôi nhận ra sẽ không nơi nào khác khiến tôi hài lòng trọn vẹn đến mức này nữa,” ông kể lại.

Sáng hôm sau, khi đang ăn trứng tráng trên ban công với tầm nhìn hoàn hảo, Osnos nhìn xuống và thấy một người đàn ông đang đứng trên chiếc du thuyền “hạng trung” neo dưới bến. Ngay lúc đó, ông cảm thấy một điều gì đó lạ lùng lan từ lồng ngực như một luồng sáng ấm áp: “Cảm giác vượt trội rõ rệt, không thể nhầm lẫn được.”

Theo Bloomberg

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/nguoi-cang-giau-du-thuyen-cang-to-53348.html

#Mỹ
#Donald Trump
#tỉ phú
#siêu giàu
#bất bình đẳng
#tầng lớp tài phiệt
#Gilded Age
#Thung lũng Silicon
#Franklin D. Roosevelt
#du thuyền
#gigayacht
#quyền lực

BÀI LIÊN QUAN

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Gói đăng ký

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: [email protected]

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: [email protected]

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media