Hồ sơ

Kamala Harris: Người phụ nữ trước ngưỡng cửa làm nên lịch sử

Josh Wingrove, Karen Breslau và Akayla Gardner 30/10/2024 09:18

Bà Harris đang đứng trước cơ hội trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Mỹ. Bà đã đứng trước cử tri Mỹ giải thích tại sao bà, chứ không phải ông Trump, mới là lựa chọn tốt nhất cho chiếc ghế tổng thống Mỹ?

0917_feature_kamala_01.jpg
Năm 1973, lúc 9 tuổi. Minh họa: 731; Hình ảnh: Archivio GBB/Mondadori Portfol/Camera Press/Redux

Tác giả: Josh Wingrove, Karen Breslau và Akayla Gardner

30 tháng 10, 2024 lúc 9:18 AM

Khi đã giăng xong bẫy cho Donald Trump vào tối 10.9, bà Kamala Harris quay sang giải thích với người Mỹ tại sao bà, chứ không phải ông Trump, mới là lựa chọn tốt nhất cho chiếc ghế tổng thống Mỹ. Bà nói với người xem truyền hình rằng ở các cuộc vận động của Trump, khán giả “ra về sớm vì chán nản và mệt mỏi.” Nhưng với những ai nghe hết, “thì điều các bạn nghe được từ ông ấy không phải là về các bạn. Ông ấy không nói về nhu cầu, ước mơ và khao khát của các bạn,” bà nói. “Các bạn xứng đáng với một vị tổng thống đặt các bạn lên trước hết, và tôi cam kết sẽ là một tổng thống như vậy.”

Khi cuộc tranh luận kết thúc, những bàn tán sau đó tập trung vào cách bà Harris chọc giận ông Trump khiến ông chuyển sang tấn công chuyện quy mô khán giả của bà, thay vì vào đề tài của câu hỏi: Vấn đề nhập cư. Hay chuyện cạm bẫy của bà đã khiến ông Trump nêu ra câu chuyện hoang đường phân biệt chủng tộc về người nhập cư ăn thịt thú cưng ở Ohio. Và cả chuyện tất cả báo trước một buổi tối mà bà sẽ chọc ông nổi giận.

Bà Harris dành phần lớn thời gian cuộc tranh luận để cho thấy cuộc bầu cử này về cơ bản là vấn đề tính cách cùng khí độ, và cho thấy bà là cơ hội để thoát khỏi thời kỳ Trump, người đang chạy đua ứng cử tổng thống lần thứ ba. Tình cảm đó rất hấp dẫn với những người Dân chủ trung thành, vốn không quá nghĩ ngợi chuyện bà Harris sẽ thực sự làm gì nếu thắng cử. Với nhiều người trong số họ, bà đơn giản là người sẽ ngăn cản Trump lên làm tổng thống, và trong quá trình đó, đập tan tấm trần thủy tinh tối thượng ở nước Mỹ.

--------------------------------------------------------------------------------

NGƯỜI TỰ DO HAY ÔN HÒA? NGƯỜI LÝ TƯỞNG HAY THỰC DỤNG? NGƯỜI CÁCH TÂN HAY THAY ĐỔI TỪ TỪ?

--------------------------------------------------------------------------------

Nhưng với các cử tri còn lưỡng lự không căm ghét vị cựu tổng thống một cách bản năng hay đơn giản là bây giờ mới chú ý tới cuộc đua, nghị trình của bà Harris, và nhất là vấn đề kinh tế: Lạm phát, thuế nội địa, thuế nhập khẩu, Trung Quốc, sẽ có sức ảnh hưởng hơn.

Thăm dò của New York Times và Siena College ngày 8.9 cho thấy gần 30% cử tri muốn biết nhiều hơn về bà, và 66% trong số đó muốn tìm hiểu chính sách của bà, nhiều gấp tám lần so với tỉ lệ những người muốn biết về tính cách của bà. Bà Harris mô tả bản thân là kèo dưới, nhưng lại chạy đua như thể mình đang ở kèo trên. Bà chỉ trả lời phỏng vấn vài lần kể từ khi trở thành ứng viên của đảng Dân chủ, và có vẻ không coi tập trung vào chính sách là lợi thế của mình. (Đội ngũ chiến dịch của bà từ chối phỏng vấn cho bài viết này.) Nhưng bà đã là người của công chúng nhiều thập kỷ, và lịch sử đấy ít nhiều cho thấy nhiệm kỳ tổng thống Harris có thể diễn ra như thế nào.

Để hiểu biết sâu về vấn đề, Bloomberg Businessweek trao đổi với những người từng làm việc cùng, hay từng phản đối bà, qua nhiều năm, và nghiên cứu lại tư liệu của một số cuộc phỏng vấn từ năm 2005 của Karen Breslau (Bloomberg News) với bà Harris, mẹ bà và các thành viên khác trong gia đình. Về vấn đề kinh tế, bà Harris có xu hướng trung dung, đã đảo ngược một số lập trường cũ, và phát đi tín hiệu ủng hộ tăng trưởng. Bà cho rằng nền kinh tế được điều hành thận trọng và khả đoán là ưu việt hơn so với tư duy tập trung vào thuế hàng nhập khẩu và phong cách có đi có lại của ông Trump, điều có thể làm thay đổi nhiều quy định với giới kinh doanh ở Mỹ. Bà đã nêu ra ý tưởng mở rộng miễn giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ và có lập trường mềm mỏng hơn với tiền mã hóa.

Trưởng thành ở vùng vịnh San Francisco, bà không xa lạ với những doanh nghiệp khổng lồ đã thúc đẩy quá trình tăng trưởng ở thung lũng Silicon, nhưng bà cũng thể hiện thái độ cứng rắn với giới doanh nghiệp khi còn làm tổng chưởng lý California bằng cách nhắm tới các ngân hàng và đại học vì lợi nhuận khi họ có hành vi cho vay kiểu săn mồi. Bà cam kết sẽ tăng thuế với các tập đoàn và người có thu nhập cao cũng như thuế lợi nhuận dựa trên vốn tư bản, dù ở mức thấp hơn so với mục tiêu của ông Biden.

Thành tích quá khứ cho thấy bà sẽ thúc đẩy quy định chặt chẽ hơn với các công ty và nghị trình chống độc quyền đang gây lo ngại cho ngay cả một số nhà tài trợ chính của phe Dân chủ.

Vậy thì nước Mỹ sẽ thấy phiên bản Harris nào? Người tự do hay ôn hòa? Người lý tưởng hay thực dụng? Người cách tân hay thay đổi từ từ? Các trợ lý hiện giờ và cựu trợ lý cho rằng trong khi bà Harris muốn bắt những doanh nghiệp có hành vi sai trái phải chịu trách nhiệm. Trên hết, bà là người được dẫn đường bởi các giá trị, nhưng cũng thực tế và cởi mở với chuyện nhân nhượng qua lại.

Bà còn rất ít thời gian để cho cử tri biết bà sẽ làm gì trong vai trò tổng thống. Những tuần lễ cuối cùng của chiến dịch là để khẳng định rằng bà là người bảo vệ giai cấp trung lưu trước nỗ lực của Trump tô vẽ bà là dân tự do của các vùng ven biển đô thị Mỹ và phải chịu trách nhiệm cho tình trạng lạm phát cũng như an ninh biên giới lỏng lẻo. Và ngay cả khi bà chiến thắng ở bảy bang chiến trường để lên làm tổng thống, nghị trình lập pháp của bà gần như chắc chắn còn phụ thuộc vào một ghế thượng viện then chốt ở tiểu bang Montana.

Bà Harris đã nói bà sẽ xây dựng một phong trào. Nếu phong trào đấy muốn biến thành một cuộc cách mạng, bà sẽ phải thuyết phục được nhiều cử tri quan trọng.

Bà Harris sinh ở Oakland năm 1964 trong một gia đình nhập cư, cha là người Jamaica và mẹ người Ấn Độ. Cả hai đều học thạc sĩ và người đấu tranh cho quyền dân sự ở đại học California, Berkeley. Phong trào biểu tình đấy là nền tảng cho quá trình trưởng thành của bà Harris.

Mẹ bà, Shyamala Gopalan Harris, chuyên gia nghiên cứu bệnh ung thư vú, kể với Breslau chuyện bà đưa cô con gái nhỏ Kamala đi biểu tình: “Khi chúng tôi đồng thanh hô vang ‘Chúng ta muốn gì?’ con bé sẽ nói ‘Tự lo!’” (Fweedom, chơi chữ).

Shyamala rất yêu thương và đặt nhiều hoài bão nơi Harris và em gái bà, Maya, sinh năm 1967. Bà đã dạy dỗ hai cô con gái cẩn thận. Không bao giờ được hỏi xin tiền người khác, lời răn mà bà Harris đã phải từ bỏ khi làm chính trị gia. Một lời dạy khác đã giúp bà Harris được hoan hô vang dội ở đại hội toàn quốc đảng Dân chủ: “Đừng bao giờ than phiền về bất công, nhưng hãy hành động, hành động gì cũng được.”

Bà Harris học đại học ở Washington, DC, trường Howard, trong lịch sử là trường của riêng người da đen, và là thành viên hội nữ sinh da đen ở đó, cả hai đều trở thành nguồn sức mạnh chính trị cho bà ngày nay. Khi còn học đại học, bà từng làm ở McDonald’s (ông Trump nói bà nói dối chuyện này trong lý lịch, nhưng ông không đưa ra bằng chứng), và văn phòng báo chí của ủy ban Thương mại liên bang cũng như cục Sản xuất Tiền giấy và Tem bưu chính.

0917_feature_kamala_02.jpg
Harris (bên phải) tại một cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc vào năm nhất tại Đại học Howard năm 1982. Nguồn: Chiến dịch của Kamala Harris/Avalon/Zuma Press

Sau đó bà học luật ở San Francisco. Bà Shyamala thấy có điểm chung giữa lựa chọn của con gái và ngành khoa học của bà: Logic. “Không thể rút ra kết luận đúng nếu không có logic,” bà Shyamala nói trong cuộc phỏng vấn năm 2008. “Vấn đề duy nhất trong ngành luật mà giới khoa học không phải xử lý là nó có yếu tố con người.”

Yếu tố đấy đã định nghĩa sự nghiệp thời kỳ đầu của bà Harris. Bà trở thành công tố viên, đầu tiên là ở Oakland trong vai phó chưởng lý quận của hạt Alameda. Một số người thấy lựa chọn này có vẻ xung đột với cội rễ đấu tranh cho công lý xã hội của bà. “Nhiều người nghĩ: Công việc này không hợp với quá khứ của bà ấy,” bà Harris nói với Breslau năm 2012. “Nhưng tôi đã quyết định không chấp nhận những lựa chọn sai lạc khi muốn trở thành tiếng nói cho những người không được lên tiếng.” Ở hạt Alameda, bà chuyên truy tố các vụ tấn công tình dục trẻ em.

--------------------------------------------------------------------------------

“NHƯNG TÔI ĐÃ QUYẾT ĐỊNH KHÔNG CHẤP NHẬN NHỮNG LỰA CHỌN SAI LẠC KHI MUỐN TRỞ THÀNH TIẾNG NÓI CHO NHỮNG NGƯỜI KHÔNG ĐƯỢC LÊN TIẾNG.” HARRIS NÓI VỀ VIỆC TRỞ THÀNH CÔNG TỐ VIÊN.

--------------------------------------------------------------------------------

Thay đổi diễn ra từ từ ở Mỹ, rồi đột ngột trở nên nhanh chóng. Đầu những năm 2000, San Francisco chưa bao giờ có chưởng lý quận là phụ nữ, chứ đừng nói là phụ nữ da màu. Nhưng bà Harris vẫn quyết định ứng cử chức vụ đấy. Mẹ bà nhắc nhở bà rằng trong lịch sử nước Mỹ không thích phụ nữ làm những chuyện to tát: “Để bảo vệ an toàn và tiền bạc cho họ,” bà Harris nhớ lại trong cuộc phỏng vấn với Breslau cho báo Newsweek năm 2005.

Hành trình vươn lên quyền lực chính trị ở California phải đi qua giới tinh hoa Dân chủ hoạt động như một câu lạc bộ ở San Francisco. Đó là nơi đã sinh ra Nancy Pelosi, Dianne Feinstein, Gavin Newsom và Willie Brown, lúc bấy giờ là thị trưởng thành phố, và trước đó nữa, là vị “ayatol- lah” tự xưng của hội đồng Lập pháp tiểu bang. Bà Harris quen thuộc thế giới đó, bà học trường luật cùng con gái bà Pelosi và có lúc hẹn hò với Brown hồi giữa những năm 1990, nhưng bà chưa thuộc về nó.

Dẫu vậy, bà vẫn đánh bại chưởng lý đương nhiệm Terence Hallinan, tuy hút cần sa, nhưng là nhà trâm anh thế phiệt ở San Francisco, bằng cách gọi ông là người cấp tiến quá nhẹ tay với tội phạm. Phe Dân chủ thường “gây ấn tượng là chúng ta muốn mở hết cửa trại giam để thả tất cả mọi người ra,” bà Harris nói vài năm sau đó. “Làm gì có chuyện như vậy.”

Bà làm chưởng lý từ tháng 1.2004 ở tòa nhà Hall of Justice, khối bê tông được các luật sư làm việc ở đó đặt cho biệt danh Beirut West. Văn phòng của bà lúc bấy giờ đang có chiến tranh với sở Cảnh sát San Francisco do lập trình cấp tiến của người tiền nhiệm Hallinan. Vài tháng sau, một cuộc khủng hoảng bùng phát: Isaac Espinoza, cảnh sát chìm, bị một thành viên băng đảng tuổi vị thành niên bắn chết bằng súng AK-47. Bà Harris tuyên bố trước đám tang của Espinoza rằng bà sẽ theo đuổi án tử hình với thủ phạm, điều bà phản đối trong triết lý luật của mình. (Vụ tử hình gần nhất ở California lúc đó là năm 2006.)

0917_feature_kamala_04.jpg
Bà Kamala tại tòa sau vụ giết Espinoza năm 2004. Hình ảnh: Paul Chinn/The Chronicle/AP Photo

Tuyên bố đó gây chấn động. Nhân viên dưới quyền quay lưng với bà ở Hall of Justice, còn Feinstein chỉ trích quyết định của bà Harris ở đám tang của Espinoza. Nhưng bà vẫn giữ nguyên lập trường và viết trên báo San Francisco Chronicle rằng “nguyên tắc thì không có ngoại lệ.” Văn phòng của bà truy tố kẻ sát hại Espinoza, và anh ta bị tuyên án tù chung thân không ân xá vào năm 2007. Năm đó, bà Harris chiến thắng nhiệm kỳ thứ hai với tư cách ứng viên duy nhất.

Dấu ấn nhiệm kỳ chưởng lý của bà là những nỗ lực tăng tỉ lệ kết án với tội phạm bạo lực và chuyển tội phạm lần đầu, không bạo lực vào chương trình tái hòa nhập do bà xây dựng. Bà cũng nổi bật nhờ tập trung vào phúc lợi cho trẻ em, thậm chí với cả phòng chờ có ghế nhỏ, gấu bông và sách thiếu nhi cho các bậc cha mẹ phải làm những công chuyện không lấy gì làm vui vẻ ở tòa nhà Hall. “Chúng ta luôn phải nghĩ tới trẻ em vì thực tế là các em không hề có tiếng nói gì trong rất nhiều hệ thống hiện hữu,” bà nói với Breslau năm 2012. “Và điều gì ảnh hưởng tới trẻ em cũng sẽ nhanh chóng tác động lên người lớn, khi các em trưởng thành.” Một trong những đề xuất gây tiếng vang của bà trong cuộc bầu cử lúc đó là nhắm vào trẻ em: Khoản tín dụng thuế tăng cường 6.000 đô la Mỹ cho các gia đình trong năm đầu có con. Bà Harris dần định vị mình là “xử lý tội phạm một cách thông minh,” cũng là tựa sách bà đồng tác giả xuất bản năm 2009. “Phương pháp luận của tôi là như vậy,” bà nhớ lại một thập kỷ sau đó. “Hãy tìm ra những lựa chọn sai lầm, và chống lại chúng.”

Ngay khi còn làm chưởng lý, bà Harris đã chú ý tới nền chính trị toàn quốc, khi bà hợp tác với chiến dịch tranh cử của ông John Kerry và đi gõ cửa từng nhà vận động cho ông Barack Obama ở Iowa. Bà cũng sửa chữa mối quan hệ với những người có thể đưa bà lên được đẳng cấp đó, đáng chú ý có Feinstein. “Bà ấy là tấm gương cho tôi,” bà Harris nói vào năm 2008, “khi một phụ nữ không ngừng tranh đấu để được coi trọng và nhìn nhận là mạnh mẽ và cứng rắn, mà không muốn bị coi thường.”

Trong khi văn hóa công nghệ ở California ưu ái những người trẻ thích gây đảo lộn, văn hóa chính trị xơ cứng ở tiểu bang này lại là tuần tự nhi tiến. Những năm 30-40 tuổi, bà Harris phải thách thức những người lâu năm hơn đang tại vị. Kình địch của bà là ông Newsom, người trong giới, chứ không phải dân ngoài cuộc như bà, đồng thời là thế hệ thứ năm sinh ở California của một danh gia vọng tộc San Francisco. Ông lên làm thị trưởng thành phố cũng vào tháng bà Harris trở thành chưởng lý, và sau này sẽ còn lên tới thống đốc California. “Họ là kình địch chính trị,” Brian Brokaw, chiến lược gia của phe Dân chủ từng làm việc cho chiến dịch vận động tranh cử của cả hai người, nói. “Nhưng dần dần họ cũng dàn xếp được với nhau.”

0917_feature_kamala_03.jpg
Cùng với Newsom xem học sinh biểu diễn tại trường học ở San Franciso năm 2004. Hình ảnh: Darryl Bush/San Francisco Chronicle/Polaris

Năm 2010, khi vẫn đau buồn vì cái chết của mẹ mình một năm trước, bà Harris chạy đua chức tổng chưởng lý. Cuộc đua rất sít sao. Bà Harris đánh bại đối thủ Cộng hòa Steve Cooley với chênh lệch chỉ 1%. Cooley nhớ lại là ông đã được giới chấp pháp ủng hộ và tới ngày nay vẫn cho rằng bà Harris thù địch với cảnh sát. “Bà ấy đã lên nhanh như diều đạt vị trí quan trọng nhất trong ngành. Tôi nghĩ danh không xứng với thực, tất cả là nhờ vào những tính toán lọc lõi,” ông nói. “Tôi nghĩ bà ấy hoàn toàn không đủ trình độ.

Khi làm tổng chưởng lý, bà Harris tiếp tục tập trung vào trẻ em và nguyên nhân cội rễ của vấn đề tội phạm, bao gồm truy tố cha mẹ của học trò trốn học thường xuyên và lập cục Công lý trẻ em vào năm 2015. Mục tiêu của cơ quan này là ngăn chặn tình trạng rời trường học là vào trại giam và xác định những vấn đề nền tảng dẫn tới những đứa trẻ vào đời thất bại. Jill Habig, người phó cho bà ở bộ Tư pháp tiểu bang California, nhớ lại rằng bà Harris thường xuyên hướng vấn đề trở lại trẻ em. Khi Habig đang nói về “tỉ lệ nhà bị tịch thu và người không trả được tiền nhà bị đuổi ra khỏi nhà và số tiền chúng ta đang chuyển cho các gia đình,” bà Harris sẽ nêu câu hỏi: “Chúng ta biết gì về những đứa trẻ ở các gia đình đó?”

0917_feature_kamala_05.jpg
Tại trụ sở chiến dịch tranh cử của Obama vào đêm giao thừa năm 2008. Hình ảnh: Deanne Fitzmaurice/San Francisco Chronicle/Polaris

Bà Habig kể lần mà bà Harris thịnh nộ nhất mà bà từng chứng kiến là trong một vụ kiện nhắm vào các trường Corinthian College, hệ thống đại học vì lợi nhuận ở Nam California vốn đã gây ra nợ nần chồng chất cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. “Những sinh viên này đang cố gắng làm điều đúng đắn. Họ đầu tư cho giáo dục, để kiếm được sinh kế, để thoát khỏi bẫy nghèo, để sống giấc mơ Mỹ,” bà Habig nhớ lại lời bà Harris. “Vậy mà họ lại bị lừa gạt hết lần này tới lần khác.” Bà Harris đã buộc được hệ thống Corinthian phải bỏ ra một tỉ đô la dàn xếp, chiến thắng mà bà thường xuyên nói tới và đặt cạnh chuyện đại học Trump, doanh nghiệp thất bại của ông Trump khiến ông phải bỏ ra 25 triệu đô la nhằm dàn xếp với các sinh viên bị trường này lừa gạt.

Một vụ khác còn lớn hơn nữa, ít ra về tài chính, là khi bà giành được khoản dàn xếp 18 tỉ đô la, cùng hai tỉ đô la nữa trong một vụ kiện cấp liên bang. Bà sát cánh với tổng chưởng lý Delaware, ông Beau Biden (con cả của tổng thống Joe Biden) trong vụ đó, và được ông Biden để mắt. Bà đã yêu cầu hạ nghị sĩ California Katie Porter, lúc bấy giờ là giáo sư ở đại học California, Irvine, giám sát xem tiền dàn xếp có tới được tay các nạn nhân không. Bà Harris “tới đại học California, Irvine và trò chuyện với những người đã mất nhà cửa,” Porter kể. “Bà ấy dành thời gian lắng nghe những người bị tác động nặng nề nhất.”

2000x-1.jpg
Phát biểu tại Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ ở Charlotte năm 2012. Hình ảnh: Jason Reed/Reuters

Trong cuốn sách năm 2019, The Truths We Hold: An American Journey (Chân lý mà chúng ta tin tưởng: Hành trình nước Mỹ), bà viết rằng bà trân trọng công việc đại diện cho người dân đấy. “Tôi rất thích được trở thành tiếng nói và người tranh đấu cho những ai bị đối xử sai trái. Đội ngũ luật sư của tôi biết tôi nghiêm túc ra sao khi bắt các tập đoàn săn mồi phải chịu trách nhiệm. Họ vẫn đùa rằng ‘Kamala’ có nghĩa là ‘thêm dấu phẩy [comma] vào mức thỏa thuận dàn xếp.’”

Bà Harris cũng đã sớm ghé thăm Airbnb, Dropbox, Netflix và Palantir, được nhìn nhận là người có đầu óc cởi mở với công nghệ, quan tâm tới khả năng gây đứt gãy của những doanh nghiệp mới mẻ này. Một cuộc họp thông tin của bà với CEO Palantir Alex Karp được lên lịch 30 phút đã kéo dài tới hơn ba giờ, theo Travis LeBlanc, từng là cố vấn cho bà Harris thời bà còn làm chưởng lý. LeBlanc nói bà hiểu “tầm quan trọng của việc mở ra sân chơi cho những doanh nghiệp có thể gây đảo lộn hiện tại.” Mặt khác, bà biết rằng “như vậy không có nghĩa là vô pháp vô thiên.”

Cách tiếp cận này thật dễ thấy, theo LeBlanc, trong thỏa thuận của bà Harris với các nhà phát triển ứng dụng di động năm 2012 đòi hỏi các ứng dụng này phải có phần công bố rõ ràng về quyền riêng tư, cũng như trong hội nghị bà triệu tập ở Los Angeles sau khi các xưởng nội dung ở Hollywood than phiền rằng Amazon đang mở đường cho hoạt động bán DVD lậu. Sau cuộc gặp, Amazon đã công bố dự án thử nghiệm cho phép các xưởng nội dung xác định được những bên bán chưa được cấp quyền để trang mạng điện tử này xử lý họ. “Bà ấy có nhiều lá bài trong bộ bài,” LeBlanc nói, “và sẽ sử dụng lá nào bà ấy thấy hợp nhất.”

0917_feature_kamala_06.jpg
Nói chuyện với Giám đốc điều hành Sheryl Sandberg tại trụ sở Facebook năm 2015. Hình ảnh: Robert Galbraith/Reuters

Bà Harris gặp ông Doug Emhoff trong cuộc hẹn hò có mai mối rồi kết hôn với ông năm 2014; hai con riêng của ông từ cuộc hôn nhân trước đó gọi bà là Momala. Đã ổn định đời sống cá nhân, bà bắt đầu nhắm tới mục tiêu sự nghiệp cao hơn. Đang có tin đồn thượng nghị sĩ Barbara Boxer sẽ không tranh cử nữa, và Cory Booker, bạn của Harris và là người da đen duy nhất ở thượng viện, quyết định sẽ giới thiệu bà tranh cử. “Tôi thấy ngỡ ngàng với tình trạng thiếu đa dạng ở đó,” bà nói.

Họ gặp nhau, và tỏ ra tâm đầu ý hợp. Như Booker nhớ lại, ông đã nói không ngừng. “Tôi đã trao cho bà ấy tất cả trí khôn của mình,” ông nói. “Hãy tới đây, hãy chạy đua vào thượng viện, hãy làm đảo lộn tất cả.”

Bà Harris lắng nghe chờ tới lượt mình nói. Bà không nhắm tới ghế của bà Boxer. “Bà ấy nói tôi phải lấy vợ đi,” Booker nhớ lại và cười lớn. “Bà ấy thực sự muốn nói với tôi là hãy mặc kệ sự nghiệp chính trị, tất cả chuyện đó quan trọng thật, nhưng điều quan trọng nhất trong đời là tìm được đúng người và kết hôn… Bà ấy đã cưới người yêu của đời đời mình, nên thực sự rất hạnh phúc.”

Boxer ra đi, và Harris quả đã ra tranh cử, đã làm đảo lộn tất cả như Booker dự báo, nhờ vào ủng hộ từ Obama và các nhân vật Dân chủ cộm cán khác. Tháng 1.2017, bà vào thượng viện, định chế khốn khổ mà có lúc quả khiến bà sốt ruột không tả, nhưng cũng làm nên tên tuổi ở đó với những cuộc hỏi đáp ở ủy ban Tư pháp.

--------------------------------------------------------------------------------

“ĐIỀU CÁNH PHÓNG VIÊN GỌI LÀ THAY ĐỔI LẬP TRƯỜNG THỰC RA LÀ DO BÀ ẤY QUEN BIẾT NHIỀU NGƯỜI HƠN TRÊN KHẮP CẢ NƯỚC.”

--------------------------------------------------------------------------------

Xuất thân cấp tiến và từng làm công tố viên khiến bà nổi bật trong hàng mấy chục dự luật do bà đề xuất, dù hầu hết không được thông qua, trải nghiệm thường thấy với các thượng nghị sĩ. (Một dự thảo như vậy, nâng hình phạt với tội tự ý hành quyết người khác, trở thành luật khi bà đang làm phó tổng thống.) Bà muốn người nhập cư có thêm quyền với luật sư, tăng sử dụng camera gắn trên người nhân viên biên phòng và cấm bộ An ninh nội địa sử dụng tiền liên bang để mở rộng các trung tâm giam giữ người nhập cư. Bà đề xuất dự luật trao cho chưởng lý tiểu bang quyền điều tra các ngân hàng hoạt động quy mô toàn quốc, và một dự luật khác yêu cầu các ngân hàng Dự trữ Liên bang phải phỏng vấn ít nhất một phụ nữ và một người da màu khi tìm chủ tịch mới. Bà cũng trình luật tín dụng thuế cho giai cấp trung lưu và một khoản hỗ trợ thuế rộng rãi cho người thuê nhà. Nhiều dự luật của bà là để hỗ trợ trẻ em, bao gồm dự luật điều chỉnh thời gian học trò đi học và thời gian cha mẹ chúng làm việc cho ăn khớp hơn. Bà cố gắng đưa vào luật hình phạt cho tội chia sẻ hình ảnh riêng tư khi chưa được phép và bắt buộc có hướng dẫn tiếng Tây Ban Nha trên thuốc trừ sâu.

Những nỗ lực này đều báo trước việc bà tìm cách lôi kéo phe thiên tả của đảng Dân chủ trong cuộc chạy đua tổng thống năm 2019. Bà tuyên bố ủng hộ kế hoạch cải cách kinh tế thân thiện với môi trường Green New Deal, một phiên bản Medicare cho tất cả mọi người và một số quy định mua lại súng bắt buộc, cũng như cấm dầu đá phiến, và tới năm 2040, cấm bán xe chạy xăng. Bà lên tiếng bảo vệ người vượt biên bất hợp pháp. Và bà hầu như không nhắc tới thời gian làm công tố viên, vào một thời kỳ mà đảng Dân chủ đang bị ám ảnh bởi vấn đề công lý cho tội phạm hình sự và những lời kêu gọi giải tán lực lượng cảnh sát.

Nỗ lực ra tranh cử tổng thống của bà kết thúc trước cả vòng sơ bộ đầu tiên, do bà thiếu tiền mặt và mắc kẹt giữa hai phe cấp tiến và ôn hòa, thậm chí trong chính đội ngũ của bà. Nhưng ông Biden, muốn tận dụng xuất thân công tố viên và sức hấp dẫn của bà với phụ nữ và người da màu, đã mời bà làm ứng viên phó tổng thống.

Bà Harris thay đổi lập trường, chuyển sang xây dựng đồng thuận giống như ông Biden, lá cờ đầu trung dung của phe Dân chủ. Cựu trợ lý và đồng minh lâu năm của bà, thượng nghị sĩ Laphonza Butler của California, nói: “Điều cánh phóng viên gọi là thay đổi lập trường thực ra là do bà ấy quen biết nhiều người hơn trên khắp cả nước.” Bà Butler mô tả bà Harris là “lão luyện hơn,” “khi ta tìm thấy điểm chung giữa những người nông dân mà ta đang nỗ lực bảo vệ trong vai trò tổng chưởng lý [và] những người nông dân ta chưa từng gặp ở Iowa…, điều đó chắc chắn mở rộng kinh nghiệm và nhãn quan của ta hơn.”

Thay vì Medicare cho tất cả mọi người, bà Harris chuyển sang nhấn mạnh bảo vệ Obamacare và các biện pháp như mức trần với chi phí y tế trả từ tiền túi người đóng bảo hiểm. Bà nói bà sẽ theo đuổi lệnh cấm vũ khí sát thương lớn và kiểm tra nhân thân nhiều hơn, nhưng không phải là mua lại bắt buộc. Bà không còn muốn cấm dầu đá phiến và đã im lặng về chuyện chấm dứt động cơ đốt trong. Về chuyện nhập cư, bà ủng hộ dự luật lưỡng đảng vốn đã đổ vỡ do áp lực của Trump, dự luật này lẽ ra sẽ tăng thêm hàng ngàn nhân sự chấp pháp, xử lý đơn xin tị nạn và xây dựng bức tường biên giới.

Các trợ lý nói bà Harris không quan tâm tới chi tiết vụn vặt trong những chương trình đó, mà tập trung vào tác động từ đấy. “Bà ấy coi con người là trung tâm của mọi chính sách, mà với bà ấy (các chi tiết vụn vặt) thường chỉ là giấy lộn,” Butler nói.

0917_feature_kamala_07.jpg
Bà Kamala nhìn ông Biden phát biểu tại buổi chào đón các thành viên mới của Quốc hội năm 2023. Hình ảnh: Erin Scott/White House

Khi làm phó tổng thống, bà Harris đã có lúc không tìm được chỗ đứng. Bà góp phần ngăn chặn nhập cư từ Guatemala, Honduras và El Salvador khi các vụ vượt biên tăng vọt. Bà ủng hộ các sáng kiến kinh tế như xóa nợ sinh viên và vận động cam kết vốn cho các ngân hàng cho vay cộng đồng, mà bà coi là công cụ để thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ tăng trưởng, đối tượng mà các ngân hàng lớn có thể từ chối. Phán quyết Dobbs của tòa án Tối cao đã đưa bà lên trung tâm sân khấu trong cuộc tranh luận quyền phá thai, vấn đề then chốt với phe Dân chủ.

Bà cũng xây dựng quan hệ với các nghị sĩ da đen tên tuổi khác và có những khoảnh khắc lịch sử như vào năm 2022, xác nhận cho bà Ketanji Brown Jackson, người phụ nữ da đen đầu tiên trở thành thẩm phán tòa án Tối cao Mỹ. Khi bà Harris chủ trì các cuộc bỏ phiếu ở thượng viện, bà thường hội ý với hai nghị sĩ da đen Booker và Raphael Warnock, vị mục sư đã giành chiến thắng sau hai vòng bầu cử ở tiểu bang Georgia, giúp phe Dân chủ có đa số rõ ràng ở thượng viện.

Booker và Warnock kể cùng một câu chuyện: Bà Harris hối thúc họ viết một lá thư cho thế hệ sau. “Bà ấy đề nghị giống như phụ nữ da đen vẫn đề nghị,” Warnock sau này nói tỉnh bơ ở một cuộc vận động của Harris. Bà lấy sẵn giấy bút ra, và cả con dấu phó tổng thống, rồi đưa cho họ. Warnock lập tức viết lá thư gửi con gái mình. Booker thì vài tuần sau mới viết. Phát biểu ở đại hội đảng Dân chủ, Warnock nói yêu cầu của bà Harris là ẩn dụ về những hy sinh của các thế hệ đi trước. “Họ đã viết lá thư tình gửi cho chúng ta, lá thư bằng mồ hôi, nước mắt, và cả máu,” ông nói. “Giờ thì Kamala Harris muốn chúng ta viết lá thư của chính mình.”

Bà Harris từng nói tính đa dạng, bao gồm của chính đội ngũ, giúp đưa ra quyết định tốt hơn, ngay cả khi bà không đoái hoài tới những câu hỏi về xuất thân rất đa dạng của bà, và coi đó không phải chuyện gì to tát. “Tất cả những điều đó tạo nên con người tôi,” bà nói vào năm 2008. “Người khác hiểu ra thì khó hơn so với chính tôi. Đây là cuộc đời tôi mà.” Nhưng bà cũng nhìn thấy đòi hỏi phải phá vỡ các rào cản. Khi gặp phải những hàng rào đó, bà nói với cử tọa chủ yếu là người Mỹ gốc Á, Hawaii và dân đảo Thái Bình Dương trong một cuộc vận động năm nay, “ta phải đập tan nó.”

Quá trình vươn lên của bà Harris cũng là giai đoạn bà có mối quan hệ căng thẳng hay lạnh nhạt với một số nhân vật lớn trong đảng, bao gồm bà Pelosi. “Không bao giờ thấy Kamala ở các sự kiện của Nancy,” một người ủng hộ cả hai chính trị gia nữ đấy nói, đề nghị giấu tên. Khi được hỏi trên CNN vào tháng 9.2023, khi chiến dịch tái cử đầy trục trặc của Biden bắt đầu tăng tốc, là liệu bà Harris có phải “người phụ nữ tốt nhất” cho vai trò phó tổng thống không, bà Pelosi nói chừng nào ông Biden còn nghĩ như vậy, “thì điều đó mới là quan trọng.”

Khi vấn đề tuổi tác của ông Biden ngày càng lộ rõ trong chiến dịch tranh cử, bà Harris không phải lúc nào cũng là người thay thế đương nhiên. Nhiều nhân vật Dân chủ cộm cán, bao gồm địch thủ kiêm bạn cũ của bà là Newsom, xuất hiện trở lại trên sân khấu quốc gia, với ý định thay thế ông Biden. Sau khi cuộc tranh luận tai họa của ông Biden với ông Trump vào tháng Sáu dẫn tới phản ứng mạnh trên cả nước, phe Dân chủ bắt đầu công khai nói về khả năng ông Biden nên thôi tranh cử. Lời kêu gọi từ bà Pelosi là có tác động đặc biệt mạnh.

Còn bà Harris thì sao? “Không hề có dấu hiệu nào là bà ấy quay lưng với ông Biden,” Booker nói. Khi cuối cùng ông Biden đăng trên mạng xã hội X vào Chủ nhật, ngày 29.7 rằng ông sẽ rút lui, ông lên tiếng ủng hộ bà ra tranh cử chỉ 27 phút sau. Bà đã không phải đập tan rào cản. Họ đã trao đổi vào sáng hôm đó, khi bà Harris đang ở nhà và sắp chơi giải đố với cháu gái. Bà lập tức bắt tay vào xây dựng sự ủng hộ, và một lần nữa bà lại làm đảo lộn tất cả.

Trong những người nhận cuộc gọi từ bà ngày hôm đó có tân hạ nghị sĩ Jasmine Crockett của tiểu bang Texas, người đã gây chú ý theo cách rất giống bà Harris: Chất vấn những người Cộng hòa tại các phiên điều trần. Bà Harris lẽ ra đã có thể dành thời gian đó để gọi cho một nhà tài trợ hay lãnh đạo trong quốc hội, theo lời Crockett. “Tôi không thuộc cả hai hạng mục đó, nhưng bà ấy vẫn có thời gian gọi cho tôi,” bà Crockett nói.

Bà Harris đối mặt với triển vọng vòng bầu cử sơ bộ nhiều rủi ro có thể loại bỏ người phụ nữ da màu đầu tiên đã ở rất gần cương vị ứng viên tổng thống, nhưng rồi không ai thách thức bà hết. Tới thứ Hai, bà tiếp quản chiến dịch tranh cử Biden-Harris, bước vào tổng hành dinh chiến dịch ở Wilmington, Delaware, trong nhạc nền là bài Freedom của Béyonce, gợi lại những tiếng hét thời thơ ấu của bà ở California. Tiền gây quỹ và số lượng tình nguyện viên tăng vọt. Các cuộc vận động của bà thu hút những đám đông lớn, cả khi chỉ có một mình bà hay khi có người tranh cử cùng, thống đốc Tim Walz của Minnesota. Bà Pelosi cũng ủng hộ bà khi xuất hiện ở một sự kiện gây quỹ.

2000x-1-1-.jpg
Tại một cuộc mít tinh ở Philadelphia để giới thiệu Walz là người bạn đồng hành tranh cử của bà. Hình ảnh: Lev Radin/Zuma Press

Trao đổi riêng tư trong một cuộc vận động ở Wisconsin, phó tổng thống nói với Kelley Robinson, chủ tịch Chiến dịch Nhân quyền, tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào người LGBTQ và hành động chính trị: “Đây không chỉ là chiến dịch, đây là một phong trào,” Robinson kể.

Phe Cộng hòa công nhận Harris đã khiến cuộc đua trở lại vạch xuất phát, nhưng một số người vẫn thấy họ có cơ hội tốt hơn. “Rốt cuộc thì đó vẫn là một người có đầu óc tự do ở California,” Mick Mulvaney, quyền chánh văn phòng Nhà Trắng của Trump trong hơn một năm, nhận xét. “Bài phát biểu đấy ngắn quá.”

Đối mặt với lý lẽ tấn công của ông Trump về nhập cư, lạm phát và hồ sơ tự do của bà, Harris cơ bản chỉ tập trung vào các điểm vận động tranh cử của mình, phá nhiều kỷ lục về huy động quyên góp trong khi từ chối phỏng vấn và đưa ra rất ít cam kết về chính sách. Chiến lược mơ hồ này là để bà tập hợp được liên minh cử tri vốn phân tán mà bà cần để phòng thủ trước ông Trump và nhóm cử tri cực kỳ hăng hái của ông. Bà nhắm tới tranh thủ cử tri ở đô thị và thuyết phục cử tri độc lập và da đen đi bỏ phiếu, cũng như hạn chế tổn thất ở các vùng nông thôn nhiều người da trắng.

Trên đường tranh cử, bà Harris thường xuyên ghé thăm các doanh  nghiệp nhỏ, một tiệm đồ nướng ở Georgia, nhà hàng món Mễ ở Arizona, cửa hàng bánh mì kẹp ở Pennsylvania. Đó là sự thay đổi so với ông Biden, vốn ưu tiên mảng sản xuất chế tạo, coi đó là biểu trưng cho sức khỏe kinh tế Mỹ. “Nền kinh tế của cơ hội” mà bà Harris coi là mục tiêu của mình (bà dùng từ đó ba lần trong cuộc tranh luận ngày 10.9) sẽ bao gồm tăng khoản tín dụng thuế cho trẻ em, mở rộng tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ mới thành lập và hỗ trợ 25 ngàn đô la cho người mua nhà lần đầu.

2000x-1-2-.jpg
Chấp nhận đề cử tại Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ ở Chicago vào tháng 8. Hình ảnh: Mel D. Cole cho Bloomberg Businessweek

Chiến dịch tranh cử của bà Harris nói bà ủng hộ gần như mọi sắc thuế mới trong ngân sách mới nhất của thời Biden, coi đó là khởi đầu triển vọng cho những thương lượng về luật thuế năm 2005. Các khoản miễn giảm thuế cho hộ gia đình thu nhập trung bình và thấp sẽ được bù đắp nhờ nguồn thu mới ước tính lên tới 5.000 tỉ đô la trong 10 năm tới. Số tiền này thu được là nhờ tăng thuế doanh nghiệp từ 21% lên 28%, tăng thuế với các tỉ phú và thu được nhiều tiền cho Medicare hơn từ chủ doanh nghiệp và những người có thu nhập cao. Trong khi các biện pháp đó nhắm vào người giàu, thống đốc New York Kathy Hochul nói Phố Wall không cần lo lắng: Bà Harris sẽ “làm được điều mà mọi chính quyền Dân chủ đã làm được: Nền kinh tế ổn định, thị trường chứng khoán tăng trưởng tốt.” Brian Nelson, một trong các cố vấn chính sách hàng đầu của bà Harris, gọi chính sách mở rộng giai cấp trung lưu là ngọn đuốc soi đường cho bà. “Điều đó có nghĩa là luật lệ ổn định, là quản lý kinh tế vững vàng,” ông nói.

Bà Harris đã cam kết sẽ trấn áp các chủ đất doanh nghiệp thông đồng với nhau đẩy giá thuê nhà lên và công ty dược có hành vi định giá kiểu săn mồi. “Bà ấy thực sự đặt nặng vấn đề trách nhiệm,” theo Habig, thuộc cấp của bà Harris ở California. “Bà ấy nghĩ làm sao xây dựng được nền kinh tế thực sự vì con người, nơi mọi người biết họ sẽ nhận được gì và các công ty có thể thực sự sáng tạo và xây dựng một doanh nghiệp biết rằng họ sẽ không thất thế chỉ vì một doanh nghiệp khác đang gian lận.”

Quan điểm của bà Harris về tiền mã hóa cũng vậy, lĩnh vực này vốn gây nhiều ngờ vực với chủ tịch ủy ban Chứng khoán Mỹ Gary Gensler. Bà Harris sẽ “ủng hộ những chính sách đảm bảo rằng các công nghệ mới nổi kiểu như ngành này sẽ tiếp tục tăng trưởng,” bao gồm “luật lệ ổn định,” theo Nelson. Lập trường mềm mỏng hơn này là chiến thắng cho những người ủng hộ tiền mã hóa như hạ nghị sĩ Ro Khanna, nhân vật cấp tiến ở vùng vịnh San Francisco và là người ủng hộ Harris. “Tôi nghĩ đó là bước đi đúng hướng,” Khanna nói. “Tôi hy vọng họ sẽ phát huy.” Bà Harris đã im lặng về đội ngũ sẽ phụ trách kinh tế của mình.

Bà tránh đề cập những người hùng rất được lòng đảng viên như bộ đôi chống độc quyền Lina Khan, chủ tịch ủy ban Thương mại liên bang (FTC) đã bị một số nhà tài trợ lớn của phe Dân chủ yêu cầu thay thế, và trợ lý tổng chưởng lý Jonathan Kanter. Từng làm thực tập ở FTC và từng làm trong ngành chấp pháp chống độc quyền, việc bà Harris không lên tiếng ủng hộ Khan cho thấy bà thận trọng ra sao. Các trợ lý nói bà kín tiếng một phần vì không muốn bị nhìn nhận là chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng ở Nhà Trắng, nhưng thái độ đó khiến một số nhà tài trợ và nhà phê bình lo ngại.

Trong nỗ lực lôi kéo cử tri trung lưu và ở các bang lưỡng lự, chiến dịch của bà Harris đã thay đổi hẳn so với chiến dịch của ông Biden trên một phương diện: Bà và Walz đã xây dựng hình ảnh đại diện cho nước Mỹ, với các cuộc vận động ngập trong màu quốc kỳ đỏ, trắng và xanh dương. “Họ không được độc quyền lá quốc kỳ, chúng ta sẽ lấy lại nó,” Walz nói vào cuối tháng Tám trong một sự kiện gây quỹ ở Maryland. (Ông cũng nói: “Tôi lấy lại cả bóng bầu dục nữa, tôi đã chịu đựng đủ thái độ của họ cho rằng họ mới là chủ sở hữu môn thể thao đấy.”) Những lời kêu gọi ái quốc có vai trò lớn trong bài phát biểu ở đại hội đảng Dân chủ của bà, khi Harris nói trong vai trò tổng tư lệnh, bà sẽ đảm bảo “nước Mỹ luôn có trong tay lực lượng chiến đấu mạnh mẽ nhất thế giới” và “Mỹ, chứ không phải Trung Quốc, sẽ chiến thắng cuộc cạnh tranh trong thế kỷ 21 và chúng ta sẽ củng cố, chứ không từ bỏ, vị thế lãnh đạo toàn cầu của mình.” Bà lại sử dụng từ ngữ “lực lượng chiến đấu mạnh mẽ” một lần nữa trong phát biểu kết luận cuộc tranh luận ngày 10.9.

Lập trường đối ngoại của bà Harris vẫn đang định hình, nhưng bà quả đã công cán nước ngoài trong các sứ mệnh ngoại giao 17 lần với vai trò phó tổng thống, đôi khi yêu cầu đoàn xe hộ tống chạy qua tòa án cao nhất của nước chủ nhà để tưởng nhớ thời bà còn làm công tố viên. Bà kề cận ông Biden trong nỗ lực cung cấp viện trợ và vũ khí cho Ukraine, và bà đã trao đổi với tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy năm ngày trước cuộc chiến Nga-Ukraine. Thượng nghị sĩ Chris Coons, đồng minh của ông Biden, nhớ lại bà đã phát biểu rất mạnh mẽ về cuộc xung đột Ukraine ở hội nghị An ninh Munich. “Phó tổng thống nói rõ ràng và mạnh mẽ về yêu cầu khẩn thiết phải bảo vệ nền dân chủ ở Ukraine,” ông nói.

Bà Harris cũng có lập trường gần giống ông Biden về cuộc chiến ở Israel, kêu gọi một thỏa thuận ngừng bắn và cho rằng lỗi cơ bản thuộc về Hamas, dù bà muốn nhấn mạnh thân phận của người Palestine và Gaza trước những chỉ trích dữ dội của một số nhà tranh đấu bên phe Dân chủ nhắm vào Israel. Về những vấn đề khác, lập trường của bà không rõ ràng bằng, bao gồm Trung Quốc, dù trang web chiến dịch đưa ra những cam kết như không chấp nhận “hoạt động thương mại không công bằng từ Trung Quốc hay bất kỳ đối thủ cạnh tranh nào làm suy yếu người lao động Mỹ.”

Trên mạng xã hội, chiến dịch của bà Harris cố gắng truyền tải cá tính của bà nhờ quảng bá những hình ảnh ngẫu hứng. Các bài đăng thường nhấn mạnh đam mê ẩm thực của bà. Trong những video một chuyến đi gần đây tới tiểu bang Georgia, bà liếc mắt đưa tình với chiếc bánh caramel ở một tiệm cà phê và quà tặng dễ thương, và trong một video khác, bà hăng hái chia sẻ công thức món rau với sốt Tabasco. Booker, được bà Harris tặng quà là một lớp học nấu ăn trên mạng, nói: “Bà ấy là một trong những người dạy nấu ăn giỏi nhất, cũng là người đã tìm cách cứu tôi khỏi cảnh ế vợ.”

Tháng 11.2023, bà Harris mời khách ăn tối ở nhà, khách là một số nhân vật da màu nhiều ảnh hưởng trong ngành truyền thông. Theo những nguồn thạo tin, họ bao gồm nghệ sĩ hài D.L. Hughley, nhà bình luận Roland Martin và rapper Fat Joe. Hughley là một trong những người tỏ ra lo lắng vì quá khứ của bà Harris từng tham gia vào hệ thống truy tố đàn ông da đen với tỉ lệ bất cân xứng. Hồi tháng Năm, ông nhớ rằng cuộc trò chuyện có lúc đã “trở nên căng thẳng.” Sau khi ông cáo buộc sai bà đã bỏ tù hàng trăm nam giới da đen vì các cáo buộc sử dụng cần sa, “bà ấy đặt tay lên vai tôi, và nói tôi cần nghiên cứu lại.”

Cuối cùng Hughley đã xin lỗi bà Harris vì để “cách diễn giải của truyền thông làm lu mờ” góc nhìn của ông về bà. Ông, Fat Joe và những người nổi tiếng khác đi tranh cử cùng bà, đã ngồi nghe các cuộc đối thoại để quảng bá chính sách của chính quyền. Hughley cũng đã phát biểu đại diện cho bà Harris ở đại hội đảng Dân chủ, trong khi Martin, với trình diễn hàng ngày nhắm vào cộng đồng da đen, đã cùng chủ trì ít nhất bốn cuộc livestream gây quỹ cho bà. Gần như tất cả các bang chiến trường đều có tỉ lệ người da đen đáng kể, trong đó có Georgia, Michigan và Pennsylvania, nên nỗ lực tranh thủ sự ủng hộ của họ sẽ là tối quan trọng với bà.

2000x-1-3-.jpg
Ghé thăm Grey, một nhà hàng ở Savannah, Georgia. Hình ảnh: Richard Burkhart/Savannah Morning News/USA Today Network

Bà Harris đã mở ra cuộc đua ở bảy bang chiến trường. Bà có thể giành chiến thắng nếu chỉ cần có được ba bang trong số đó, và phe Dân chủ ngày càng hy vọng tỉ lệ đi bỏ phiếu cao sau chiến thắng của Harris sẽ giúp họ giành lại cả quyền ở hạ viện. Thượng viện thì ảm đạm hơn. Cuộc đua quyết định là ở Montana, nơi Jon Tester (Dân chủ) đang cố gắng giữ ghế mà ông giành được lần đầu từ năm 2006. Nếu ông thua, phe Dân chủ gần như chắc chắn chỉ có tối đa 49 ghế, mất đi quyền đa số và khiến nhiều, hoặc thậm chí là tất cả, kế hoạch của bà Harris có nguy cơ rơi vào đình trệ.

Dù đã có thời gian để đưa ra các vấn đề chính sách, bà Harris vẫn trở lại với chuyện tính cách, người trưởng thành từ tầng lớp trung lưu đấu với con trai triệu phú, công tố viên đấu với kẻ tội phạm, và kết nối trải nghiệm của bà với cử tri bằng mọi giá. Hồi tháng Tám, ở một trường học tại Georgia, bà Harris đã phát biểu với ban nhạc diễu hành, học sinh cổ động và vận động viên trong phòng. “Tất cả những gì các em làm đều cần tập luyện rất nhiều, cần diễn đi diễn lại. Đúng không? Đôi khi các em đánh đúng hết, đôi khi cũng sai nhịp,” bà nói. “Đôi khi các em nhảy đúng bộ, đôi khi cũng trật vuột. Đôi khi các em thắng trận, nhưng cũng có khi thua. Chỉ là các em không bao giờ để những chuyện đó cản đường hay kìm bước. Các em cần phải tiếp tục tiến lên.”

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/kamala-harris-nguoi-phu-nu-truoc-nguong-cua-lam-nen-lich-su-52513.html

#Kamala Harris
#Bầu cử tổng thống Mỹ

BÀI LIÊN QUAN

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Gói đăng ký

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: [email protected]

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: [email protected]

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media