Kinh tế

Để kinh tế tư nhân là động lực chính của nền kinh tế

Muốn kinh tế tư nhân là động lực chính cho phát triển bền vững thì cần sự hỗ trợ chủ động của nhà nước, chính sách rõ ràng và thực thi hiệu quả.

Tác giả: Nguyễn Tú Anh

17 tháng 06, 2025 lúc 9:00 AM

Trong lịch sử phát triển quốc gia, các nhà nước dù theo mô hình chính trị nào, đều hướng đến cùng một mục tiêu: Nâng cao sức mạnh tổng hợp và chất lượng sống của người dân, hay nói đơn giản là trở thành một nước phát triển. Trong hành trình đó, xây dựng một hệ thống doanh nghiệp hùng mạnh luôn là trọng tâm. Và kinh tế tư nhân, xét trong chiều dài lịch sử hiện đại, đã và đang chứng minh vai trò trung tâm trong kiến tạo sự thịnh vượng bền vững.

Tuy vậy, con đường đến với thành công của khu vực tư nhân không bao giờ đơn giản. Sự thất bại trong nhiều trường hợp chuyển đổi mô hình kinh tế cho thấy thị trường tự do là điều kiện cần nhưng không phải là điều kiện đủ để kinh tế tư nhân phát triển.

Bài học từ các nền kinh tế chuyển đổi

Từ khi khối Xã hội Chủ nghĩa sụp đổ, nhiều nước Đông Âu và Trung Á tiến hành tự do hóa, mở cửa hội nhập và thúc đẩy kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, sau hơn 30 năm, tăng trưởng bình quân của nhóm này chỉ khoảng 2%, thấp hơn mức trung bình thế giới, ngoại lệ chỉ có vài nước nhờ tài nguyên dầu mỏ (Bosnia và Herzegovina, Azerbaijan, Turkmenistan, Uzbekistan). Ba Lan là trường hợp đặc biệt với tốc độ tăng trưởng bình quân 3,66%.

Nổi bật so với nhóm trên là Việt Nam và Trung Quốc, hai nền kinh tế có chuyển đổi lớn. Trong hơn ba thập kỷ qua, Việt Nam và Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng khoảng gấp đôi tỉ lệ tăng trưởng trung bình của thế giới. Góp phần lớn vào thành công đó là nhờ chính sách đặc thù cả hai nước đều áp dụng: Không tư hữu hóa ồ ạt doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mà từng bước cổ phần hóa, song song với phát triển khu vực tư nhân từ con số không.

Ở Việt Nam, doanh nghiệp tư nhân nội địa được xây dựng trong điều kiện thiếu thốn cả về vốn lẫn kinh nghiệm thị trường. Không ít doanh nghiệp thành công hiện nay khởi đầu từ hộ kinh doanh cá thể, từ vốn liếng gia đình. Trong khi đó, chính sách của nhà nước tập trung cung ứng hạ tầng thiết yếu, một điểm chung với chiến lược công nghiệp hóa tại Đông Á, nơi vai trò nhà nước trong hỗ trợ doanh nghiệp luôn hiện hữu rõ ràng.

Bài học có thể rút ra: Phát triển kinh tế tư nhân không phải là mục tiêu cuối cùng mà là phương thức thiết yếu để đạt được phát triển bền vững và để khu vực tư nhân lớn mạnh, cần có sự hiện diện chủ động của nhà nước với vai trò kiến tạo và giám sát cạnh tranh công bằng.

Ở Việt Nam, hoạch định phát triển khu vực kinh tế tư nhân có bước tiến dài kể từ Đại hội VI. Tuy nhiên, trong nhiều thập kỷ, chính sách chủ yếu tập trung vào tháo gỡ rào cản, công nhận quyền sở hữu tư nhân, quyền tự do kinh doanh và mở rộng hành lang pháp lý. Chỉ đến gần đây, với nghị quyết 68 của Bộ Chính trị và nghị quyết 198 của Quốc hội, cách tiếp cận mới – chủ động, định hướng và tạo điều kiện – mới thực sự được khẳng định.

Hai nghị quyết này mang tính thực thi cao, tạo bước ngoặt trong tư duy chính sách: Từ “gỡ khó” sang “tạo thuận lợi”, từ vai trò bị động sang đồng hành chiến lược với khu vực tư nhân. Một trong những điểm đột phá là việc thể chế hóa nguyên tắc “doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm,” bước tiến lớn về tư duy quản trị nhà nước trong bối cảnh mô hình kinh doanh thay đổi nhanh chóng do công nghệ.

Nghị quyết 68 còn mở đường cho việc doanh nghiệp tư nhân tham gia vào chuỗi giá trị cung ứng hàng hóa dịch vụ công, tiếp cận bình đẳng tài nguyên dữ liệu, và đóng vai trò trong quá trình xây dựng chính sách. Đây là chuyển biến mang tính cấu trúc trong mô hình quản trị phát triển – một sự thay đổi từng được xem là bất khả thi trong hệ thống hành chính truyền thống.

Cũng lần đầu tiên, tư nhân được đề cập như đối tác đồng hành cùng nhà nước, không chỉ là chủ thể thực hiện chính sách mà còn là người đồng kiến tạo luật chơi.

Hướng đến “kỳ tích sông Hồng”

Kỳ vọng về một “kỳ tích sông Hồng” trong 20 năm tới là có cơ sở nhưng cũng không thiếu những rào cản. Công nghệ số, dữ liệu lớn và kinh tế tri thức là những lực đẩy mới cho khu vực tư nhân Việt Nam, với điều kiện là thể chế phải kịp chuyển hóa, tư pháp kịp thích nghi và chính sách kịp đồng hành.

Để hiện thực hóa, Việt Nam cần nhiều hơn các quyết sách mang tính tiên
phong cũng như nâng cao năng lực thực thi, tạo ra cơ chế phản hồi nhanh và giám sát độc lập đồng thời xây dựng một văn hóa chính sách lấy hiệu quả thực tiễn làm thước đo chứ không chỉ dừng ở văn kiện hay khẩu hiệu.

Việc thực hiện các chính sách đột phá này lại vấp phải những thách thức thực tế không hề nhỏ. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy: Khi nhà nước tham gia hỗ trợ doanh nghiệp, hệ thống pháp lý và thực thi pháp luật cần nghiêm minh để ngăn chặn hành vi trục lợi. Chính phủ thông minh đòi hỏi tư pháp thông minh, nơi các hành vi sai phạm bị trừng phạt đủ mạnh để tạo răn đe mà không cần can thiệp hành chính quá sâu.

Mặt khác, các ưu đãi và hỗ trợ phải có tiêu chí cụ thể để tránh rủi ro cả cho nhà đầu tư lẫn cơ quan thực thi. Chính sách dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, dự án xanh hay doanh nghiệp tuân thủ pháp luật tốt cần được định nghĩa rõ ràng, minh bạch và dễ xác nhận, nếu không thì sẽ nảy sinh hệ quả trái chiều như doanh nghiệp tìm cách lách luật để trục lợi từ ưu đãi, hoặc cán bộ thực thi lạm quyền gây phiền hà.

Chính sách miễn thuế ba năm cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, một biện pháp hỗ trợ hợp lý, cũng không nằm ngoài nguy cơ bị lạm dụng nếu không có cơ chế giám sát chặt chẽ để ngăn chuyển giá từ công ty mẹ sang công ty con nhằm tránh nghĩa vụ thuế.

Một thách thức lớn khác là hiệu quả rất thấp của hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Trong khi các đối thủ như Trung Quốc đã đi trước một bước bằng cách “cài cắm” chuyên gia pháp lý tại các trung tâm trọng yếu như Washington, Geneva hay Brussels để theo dõi, phản ứng và bảo vệ lợi ích doanh nghiệp từ sớm thì hệ thống của chúng ta chưa làm được việc này và thiếu chủ động. Việt Nam nếu muốn hỗ trợ thực chất doanh nghiệp ra biển lớn cần có chiến lược dài hơi, không chỉ tài trợ xúc tiến thương mại, mà còn phải hiện diện tại các tổ chức quốc tế để tham gia cuộc chơi từ giai đoạn đầu.

Kinh tế tư nhân không phải là phép màu tự thân. Nó là kết quả của một hệ sinh thái thể chế bền vững, công bằng và hướng tới tương lai. Nếu Việt Nam có thể giải được bài toán thể chế cho khu vực tư nhân thì đó sẽ không chỉ là thành công của một nhóm doanh nghiệp hay một thành phần kinh tế mà là bước chuyển mình thực sự của quốc gia.

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/de-kinh-te-tu-nhan-la-dong-luc-chinh-cua-nen-kinh-te-53476.html

##Premium
##kinh tế tư nhân
#nghị quyết 68
#kinh tế chuyển đổi
#kỳ tích sông Hồng

BÀI LIÊN QUAN

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Gói đăng ký

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: [email protected]

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: [email protected]

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media