Công nghệ

Tự động hóa và AI đang định hình lại thị trường lao động Việt Nam ra sao?

Dữ liệu của ngân hàng Thế giới cho thấy, trong khi robot giúp tăng việc làm và thu nhập, trí tuệ nhân tạo (AI) lại gây sức ép lên lao động có trình độ cao.

Hình ảnh: Shutterstock

Hình ảnh: Shutterstock

Tác giả: Giang Lê

01 tháng 07, 2025 lúc 7:01 AM

Theo báo cáo “Tương lai việc làm” của Ngân hàng Thế giới ra mắt tháng 6.2025, trong giai đoạn 2014–2020, việc ứng dụng robot trong sản xuất tại Việt Nam giúp tăng trưởng việc làm trung bình 10% và thu nhập lao động 5%. Những tác động tích cực này phần lớn đến từ việc cải thiện năng suất trong các ngành như điện tử, ô tô, máy tính – vốn đang dẫn đầu về tốc độ robot hóa tại Việt Nam. 

Tuy nhiên, không phải ai cũng hưởng lợi. Người lao động có trình độ thấp, làm các công việc rập khuôn đang bị thay thế. Dữ liệu cho thấy, trong năm quốc gia ASEAN (Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines) ở giai đoạn 2018–2022, có 1,4 triệu lao động kỹ năng thấp đã bị robot thay thế, trong khi 2 triệu việc làm mới được tạo ra cho nhóm lao động kỹ năng cao.

Cũng theo báo cáo, các nhóm lao động lớn tuổi ít được hưởng lợi từ robot. Việc làm và thu nhập tăng lên chủ yếu rơi vào nhóm lao động trẻ và trung niên (15–49 tuổi), trong khi nhóm từ 50 tuổi trở lên gần như không thấy cải thiện đáng kể về tiền lương.

Trái với robot có tác động rõ ràng tới việc làm tay chân, trí tuệ nhân tạo (AI) lại ảnh hưởng mạnh đến nhóm lao động trí óc – nhưng tác động này âm thầm và khó thấy ngay kết quả. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới chỉ ra rằng ở khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, 10% công việc hiện tại có thể ứng dụng AI một cách hiệu quả.  Tỉ lệ này tương đương với tỉ lệ ở các nền kinh tế mới nổi khác nhưng thấp hơn nhiều so với tỉ lệ 30% ở các nước phát triển. 

AI cũng tạo tác động không giống nhau lên các nhóm lao động khác nhau. Ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, phụ nữ chịu tác động thay thế bởi AI cao hơn nam giới, đặc biệt là ở Malaysia và Philippines. Trình độ học vấn càng cao, mức độ tiếp xúc với AI trong công việc càng lớn. Người lao động có trình độ học vấn bậc cao chịu tác động của AI nhiều hơn người lao động có trình độ học vấn trung học. 

Một trong những cảnh báo từ báo cáo là vấn đề lệch pha kỹ năng giữa nhu cầu của doanh nghiệp và năng lực người lao động. Hiện nay, chỉ khoảng 30% sinh viên đại học tại Việt Nam theo học ngành STEM, và dưới 20% được tiếp cận công nghệ mới như AI, IoT (Internet vạn vật). Đồng thời, 27% công nhân sản xuất được đào tạo bài bản về công nghệ 4.0, trong khi đó lại là nhóm lao động chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tự động hóa.

“Điều này khiến tình trạng lệch pha kỹ năng trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng đến năng suất và đổi mới,” bà Lê Thái Hà, giám đốc điều hành quỹ VinFuture và quỹ Vì tương lai xanh của Vingroup chia sẻ tại hội thảo trực tuyến của ngân hàng Thế giới.

Việt Nam bắt đầu đưa ra một số cải cách quan trọng. Luật Công nghiệp Công nghệ số, vừa được thông qua vào tháng 6.2025, được kỳ vọng sẽ khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng những chính sách này vẫn còn manh mún và thiếu tính kết nối toàn diện. “Chúng ta cần một chiến lược chuyển đổi nhân lực quốc gia – không chỉ dừng ở khuyến khích học công nghệ, mà còn là tái cấu trúc lại hệ thống giáo dục đại học, bảo hiểm xã hội và các chính sách thị trường lao động,” bà Hà đề xuất.

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/tu-dong-hoa-va-ai-dang-dinh-hinh-lai-thi-truong-lao-dong-viet-nam-ra-sao-53600.html

#AI
#trí tuệ nhân tạo
#tự động hóa
#robot
#lao động và công nghệ
#tác động của công nghệ
#thị trường lao động

BÀI LIÊN QUAN

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Gói đăng ký

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: [email protected]

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: [email protected]

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media