Kinh tế

TP.HCM mới cần hướng đến “siêu đô thị biển”

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng thay vì quy hoạch hướng biển như trước đây, TP HCM mới hiện nay cần thực sự trở thành đô thị biển.

Hình ảnh: Shutterstock

Hình ảnh: Shutterstock

Tác giả: Halley Dao

13 tháng 07, 2025 lúc 8:17 AM

Sau khi mở rộng địa giới hành chính, hợp nhất với Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu, TP.HCM đang bước vào giai đoạn tái quy hoạch quan trọng. Theo các chuyên gia, để phát triển xứng tầm, thành phố cần hướng mạnh ra biển, tận dụng toàn diện tiềm năng cảng biển và du lịch biển để hình thành cực tăng trưởng mới.

Mở ra không gian phát triển mới

Việc mở rộng TP.HCM thành “siêu đô thị” không chỉ tạo ra sự thay đổi về quy mô mà còn đặt ra yêu cầu quy hoạch với tầm nhìn khác biệt. Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, việc hợp nhất đã giúp bờ biển của thành phố được nối dài từ Cần Giờ đến hết Xuyên Mộc, trở thành một trong những đô thị có bờ biển dài, đa dạng lợi thế khai thác kinh tế như cảng biển, du lịch.

Trước đây, quy hoạch TP.HCM chủ yếu “hướng biển” thông qua Cần Giờ với đặc trưng rừng ngập mặn, giao thông chưa hoàn thiện, không thể gánh toàn bộ vai trò trung tâm cảng biển hay phát triển đô thị biển quy mô lớn. Việc hợp nhất mở ra “cánh cửa” tiếp cận trực tiếp các cụm cảng nước sâu, bãi biển dài, tạo điều kiện “chắp cánh” cho vùng biển Cần Giờ - Vũng Tàu trở thành trung tâm cảng biển.

Ba cực tạo thế liên kết vùng

Chuyên gia quy hoạch Ngô Viết Nam Sơn cho rằng mô hình phát triển mới của TP.HCM nên dựa trên thế ba cực phát triển:

Cực công nghiệp - công nghệ cao đặt tại Bình Dương. Khu vực này có ưu thế quỹ đất rộng, địa hình cao, chi phí đất thấp, phù hợp mở rộng khu công nghiệp, khu công nghệ cao.

Cực trung tâm đô thị - tài chính - khoa học công nghệ tiếp tục đặt tại TP.HCM hiện hữu. Đây vẫn sẽ là hạt nhân về tài chính, nghiên cứu khoa học, giáo dục - đào tạo, với nguồn nhân lực chất lượng cao.

Cực đô thị biển - cảng biển - du lịch biển đặt tại khu vực Vũng Tàu. Cực này sẽ khai thác thế mạnh cảng biển quốc tế, du lịch tàu biển, các đô thị du lịch ven biển.

Việc quy hoạch ba cực phát triển với kết nối bằng hạ tầng liên vùng như các vành đai, cao tốc sẽ giúp hàng hóa trong vùng thuận tiện ra cảng, giảm chi phí vận chuyển, nâng cao sức cạnh tranh, tăng năng lực xuất khẩu, và thu hút các tập đoàn đầu tư đa ngành.

Theo số liệu từ Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, sau sáp nhập, TP.HCM mới sẽ có quy mô kinh tế hơn 2,7 triệu tỷ đồng, chiếm gần 1/4 GDP cả nước. Thu ngân sách đạt khoảng 682 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 1/3 tổng thu ngân sách quốc gia.

Cơ cấu kinh tế cũng được dự báo chuyển dịch: tỷ trọng ngành dịch vụ giảm từ 65% xuống 52%, công nghiệp - xây dựng tăng từ 22% lên 35%. Điều này phản ánh vai trò ngày càng quan trọng của công nghiệp và kinh tế cảng biển- logistics.

Với lợi thế sở hữu cảng biển quốc tế Cái Mép - Thị Vải nằm trong nhóm cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam, có thể đón tàu trọng tải lớn nhất khu vực, kết nối trực tiếp tuyến hàng hải quốc tế. Đây sẽ là cực tăng trưởng hàng đầu, hỗ trợ thúc đẩy kinh tế vùng và thu hút đầu tư.

Ngoài ra, việc bờ biển TP.HCM mới được nối dài từ Giờ đến Vũng Tàu với nhiều cảnh quan về thiên nhiên, da dạng trải nghiệm sẽ trở thành động thực phát triển du lịch tiếp theo trong chiến lược kinh tế du lịch biển. Trước sáp nhập, Bà Rịa – Vũng Tàu vốn là một trong những trung tâm du lịch biển lớn nhất Nam Bộ, nổi bật với Hồ Tràm, Long Hải, Côn Đảo... Khi trở thành một phần của TP.HCM mới, tiềm năng sẽ được thu đẩy nhiều hơn nhờ quy mô siêu vùng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cần quy hoạch, phát triển du lịch biển – du lịch nghỉ dưỡng song hành với bảo vệ môi trường ven biển.

Khác với đô thị công nghiệp hay trung tâm tài chính, phát triển đô thị biển đòi hỏi giữ cân bằng giữa khai thác kinh tế và bảo tồn tài nguyên tự nhiên. Nếu làm tốt, kinh tế TP.HCM sẽ bứt phá nhờ cụm đô thị ven biển hiện đại, tài nguyên du lịch đa dạng, từ đó góp phần đa dạng hóa chuỗi dịch vụ, tăng nguồn thu.

Theo đại diện Viên Nghiên cứu phát triển TP.HCM, quy hoạch thành phố mới cần được rà soát kỹ, tránh chồng chéo giữa cũ và mới, tránh “lấp lỗ hổng”. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng số phải đi trước một bước, đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh nhưng vẫn giữ được nguyên tắc phát triển bền vững.

Nếu thực hiện thành công, TP.HCM mới sẽ trở thành siêu đô thị đa cực, hội tụ đầy đủ các yếu tố: công nghiệp hiện đại, trung tâm tài chính tầm khu vực và cực kinh tế biển mạnh, có năng lực cạnh tranh quốc tế.

Hướng ra biển không chỉ là giải pháp mở rộng không gian phát triển mà còn là chiến lược đón đầu xu thế kinh tế biển - động lực tăng trưởng xanh, bền vững.

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/tp-hcm-moi-can-huong-den-sieu-do-thi-bien-53753.html

#du lịch biển
#TPHCM
#Cần Giờ
#Đô thị biển
#Ngô Viết Nam Sơn

BÀI LIÊN QUAN

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Gói đăng ký

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: [email protected]

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: [email protected]

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media