Kinh tế

Singapore hỗ trợ kỹ thuật cho các nước tìm mầm bệnh trong nước thải

Nước thải có thể chứa manh mối cảnh báo đợt đại dịch tiếp theo, theo các nhà khoa học Singapore.

Minh họa: Seba Cestaro for Bloomberg Businessweek

Minh họa: Seba Cestaro for Bloomberg Businessweek

Tác giả: Karoline Kan

02 tháng 07, 2025 lúc 7:19 AM

Tóm tắt bài viết

Singapore tổ chức các khóa huấn luyện cho chuyên gia y tế Đông Nam Á về phân tích nước thải để phát hiện mầm bệnh, giúp các quốc gia xây dựng đội ngũ ứng phó dịch bệnh trong tương lai.

Chương trình đào tạo do trường Y Duke-NUS tổ chức, tập trung vào việc chiết xuất vật liệu di truyền để nhận diện virus, giúp phát hiện sớm ổ dịch và kiểm soát trước khi bùng phát.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá cao sáng kiến của Singapore và xem đây là một phần quan trọng trong nỗ lực xây dựng hệ thống phát hiện và phòng ngừa bệnh truyền nhiễm toàn cầu.

Singapore triển khai giám sát nước thải tại hơn 500 địa điểm, nhưng nhiều quốc gia láng giềng chưa có hệ thống xử lý nước thải cơ bản, gây khó khăn cho việc triển khai rộng rãi.

Việc Mỹ cắt giảm viện trợ cho các chương trình vắc xin khiến các nước ưu tiên chi phí mua vắc xin phòng sởi và viêm gan hơn là chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo.

Tóm tắt bởi AI HAY

Vài lần mỗi năm, khoảng một chục chuyên gia y tế từ khắp Đông Nam Á tập trung về tại Singapore để tham gia khóa huấn luyện kéo dài một tuần, nơi họ phân tích chất thải của con người. Họ lấy mẫu nước thải từ các miệng cống, đưa về phòng thí nghiệm hiện đại và vô trùng của cơ quan môi trường Singapore, nơi mẫu được cô đặc, nhỏ vào ống nghiệm và phân tích để tìm dấu hiệu của mầm bệnh.

Chương trình đào tạo này do trường Y Duke-NUS — đơn vị dẫn đầu khu vực về nghiên cứu bệnh truyền nhiễm — tổ chức. Các học viên học cách chiết xuất vật liệu di truyền để nhận diện virus trong môi trường.

Mục tiêu của chương trình là nhằm đào tạo chuyên gia trong khu vực khả năng phát hiện sớm ổ dịch và kiểm soát trước khi chúng bùng phát. Kết thúc một tuần huấn luyện, các học viên sẽ về nước và chia sẻ kiến thức mới học với đồng nghiệp. “Khóa đào tạo giúp các quốc gia xây dựng đội ngũ nhân lực có chuyên môn để chuẩn bị ứng phó với các đại dịch trong tương lai,” Vincent Pang, chuyên gia dịch tễ học tại trung tâm Chuẩn bị Ứng phó Dịch bệnh của Duke-NUS, cho biết.

Một trong những bài học quan trọng nhất được rút ra từ dịch Covid-19 là tầm quan trọng của việc phát hiện sớm mầm bệnh, khả năng xét nghiệm đủ mạnh, cơ chế chia sẻ thông tin hiệu quả và phản ứng phối hợp nhanh chóng. Tuy nhiên, chỉ hai năm sau khi tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu kết thúc, các chương trình như vậy đang dần bị xem nhẹ.

Nhiều quốc gia châu Âu đang cắt giảm nguồn viện trợ quốc tế. Và với việc cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) gần như ngừng hoạt động, chính quyền tổng thống Donald Trump đã chấm dứt việc tài trợ cho hàng ngàn dự án y tế toàn cầu, bao gồm nhiều chương trình giám sát và theo dõi dịch bệnh. “Khoảng 20 đến 50 tỉ USD đầu tư y tế toàn cầu sẽ biến mất và hiện chưa có tổ chức nào đủ khả năng bù đắp khoảng trống này,” Manisha Bhinge, phó chủ tịch phụ trách y tế của Quỹ Rockefeller, nhận định.

sewage-pipes.jpg
Ống cống gần nhà của Karoline Kan. Nguồn: Karoline Kan/Bloomberg Businessweek

Từ Ấn Độ đến Brazil, nhiều quốc gia từ lâu đã gặp khó trong việc triển khai xét nghiệm diện rộng, đặc biệt tại vùng nông thôn và các khu dân cư thiếu điều kiện tiếp cận y tế. Dù một số quốc gia đã thử nghiệm giám sát nước thải trong thời kỳ Covid-19, Singapore vẫn là một trong số ít quốc gia vẫn tiếp tục thường xuyên áp dụng phương pháp này để giám sát dịch bệnh trên diện rộng. Giờ đây, nước này đang chia sẻ kinh nghiệm qua các chương trình đào tạo chuyên sâu.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá cao sáng kiến của Singapore và xem đây là một phần quan trọng trong nỗ lực xây dựng hệ thống phát hiện và phòng ngừa bệnh truyền nhiễm toàn cầu. Năm 2023, WHO khởi động chương trình giám sát mầm bệnh toàn cầu, tập trung vào ứng dụng công nghệ và chia sẻ thông tin nhằm hỗ trợ đội ngũ y tế quốc gia. “Mạng lưới toàn cầu có vai trò then chốt, và các mạng lưới khu vực cũng vậy,” Josefina Campos, trưởng chương trình của WHO, cho biết. “Hợp tác là điều vô cùng quan trọng đối với chúng tôi.”

Chương trình đào tạo giám sát nước thải của Singapore không hoàn toàn xuất phát từ lý do nhân đạo. Tuổi thọ trung bình tại quốc đảo này cao hơn gần 10 năm so với mức trung bình của khu vực nhờ hệ thống y tế công cộng hàng đầu. Tuy nhiên, dù gần như loại bỏ được các đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm trong nước, Singapore vẫn dễ bị tổn thương trước các mầm bệnh từ bên ngoài, do có vai trò là trung tâm giao thương và du lịch, và sự phụ thuộc vào lao động cũng như hàng hóa nước ngoài. Quốc đảo này sở hữu một trong những sân bay nhộn nhịp nhất thế giới và có đến 30% dân số là người nước ngoài. Một nghiên cứu phân tích dữ liệu dịch tễ tại Singapore giai đoạn 1989–2016 cho thấy gần như toàn bộ các đợt sốt rét, hai phần ba ca viêm gan E và hơn 80% ca mắc bệnh chấy rận đều có nguồn gốc từ nước ngoài hoặc liên quan đến lao động nhập cư. “Nếu chúng ta giữ cho các nước láng giềng an toàn, Singapore cũng sẽ an toàn,” ông Teo Yik Ying, cựu giám đốc cơ quan phòng chống bệnh truyền nhiễm của Singapore, nói.

Theo các chuyên gia y tế công cộng, giám sát nước thải là công cụ lý tưởng để thu hẹp khoảng cách về chất lượng chăm sóc sức khỏe giữa cộng đồng giàu và nghèo, vì chi phí thấp hơn nhiều so với phương pháp xét nghiệm truyền thống. Ví dụ, tại một số khu vực, một xét nghiệm Covid đơn giản có thể có giá hơn 20 USD, trong khi việc lấy mẫu nước thải từ cả một khu dân cư có thể chỉ tốn dưới 40 USD. 

“Thông tin thu được từ nước thải không bỏ sót nhóm nghèo,” Angela Chaudhuri, giám đốc điều hành tổ chức phi lợi nhuận Swasti tại Ấn Độ, cho biết. Tổ chức này đang vận động giới chức y tế triển khai những chương trình tương tự. “Đây thực sự là một hình thức của bình đẳng.”

Tuy nhiên, dù nghe có vẻ đơn giản, việc triển khai lại không hề dễ dàng. Singapore có đủ năng lực để triển khai giám sát nước thải tại hơn 500 địa điểm, nhưng nhiều quốc gia láng giềng vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải cơ bản ở một số khu vực. Cách tiếp cận của Singapore — cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để giúp các đối tác khu vực tự xây dựng năng lực phòng dịch — có nguy cơ không đạt được hiệu quả như mong đợi nếu thiếu nguồn tài chính đi kèm. Dù có GDP bình quân đầu người thuộc nhóm cao nhất thế giới, Singapore từ trước đến nay hiếm khi nào cung cấp viện trợ không hoàn lại cho nước ngoài.

Kể từ sau đại dịch, chính phủ các nước trong khu vực đã bắt đầu ưu tiên sang những vấn đề cấp thiết hơn như căng thẳng biên giới, tranh chấp thương mại và thất nghiệp. Trong khi đó, việc Mỹ cắt hàng tỉ đô la viện trợ cho các chương trình vắc xin từng giúp hàng trăm triệu trẻ em được tiêm chủng đã khiến chi phí mua vắc xin phòng sởi và viêm gan trở nên cấp bách hơn so với việc chuẩn bị cho kỳ đại dịch tiếp theo. “Có quá nhiều chương trình đang cần tiền từ ngân sách nhà nước,” bà Vicka Oktaria, nhà dịch tễ học Indonesia từng tham gia công tác giám sát Covid tại nước này, cho biết. “Nguồn lực của chính phủ có hạn, nên chúng tôi cần đảm bảo chương trình này có thể duy trì lâu dài.”

Theo Bloomberg

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/singapore-ho-tro-ky-thuat-cho-cac-nuoc-tim-mam-benh-trong-nuoc-thai-53615.html

#chuyên gia y tế
#Đông Nam Á
#Singapore
#chất thải
#mầm bệnh
#virus
#ổ dịch
#đại dịch
#USAID
#dự án y tế
#xét nghiệm
#WHO
#bệnh truyền nhiễm
#lao động nhập cư
#chăm sóc sức khỏe
#vắc xin

BÀI LIÊN QUAN

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Gói đăng ký

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: [email protected]

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: [email protected]

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media