Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Kinh tế
Các nhà đầu tư nghiệp dư đang đổ xô vào thế giới quỹ hoán đổi danh mục (ETF) kết hợp sản phẩm phái sinh hứa hẹn lợi nhuận lớn với tên tuổi cổ phiếu đại gia (và nhiều tài sản khác). Nhưng giới đầu tư chuyên nghiệp và quản lý đều cảnh báo họ cần cẩn trọng.
Minh họa: Angela Kirkwood
Tác giả: Denitsa Tsekova và Vildana Hajric
29 tháng 11, 2024 lúc 1:52 PM
Khắp các nền tảng như TikTok, YouTube và Reddit, những “influencer” trong giới tài chính đều đang quảng bá một cách thức mới mẻ nhằm đầu cơ trên thị trường chứng khoán: Với những quảng cáo về lợi nhuận có thể lên tới 100%, hoặc hơn nữa.
Các quỹ hoán đổi danh mục có kèm sản phẩm phái sinh đang rất có sức hút với nhà đầu tư nhỏ lẻ, họ đang đổ xô vào các giao dịch ăn thua lớn, bao gồm cả giao dịch đặt cược vào lợi nhuận hàng ngày của những cổ phiếu đang tăng trưởng nóng nhất hành tinh.
Hàng chục ngàn nhà đầu tư nghiệp dư đổ về các diễn đàn để thảo luận xem các sản phẩm tăng trưởng nhanh này có hợp lý không (như đánh cược trên cơ sở quyền chọn vào cổ phiếu Nvidia, Tesla, và các đại gia công nghệ khác). Trị giá các giao dịch đã lên đến 50 tỉ đô la Mỹ và còn tăng nữa, với đủ kiểu chiến lược ETF trong năm nay. Những hãng phát hành chứng chỉ quỹ ra mắt các chỉ số mới gần như mỗi tuần. Và tất cả thúc đẩy các công ty cả mới mở lẫn đã lâu đời cạnh tranh cho dòng tiền đầu tư và tiền phí mới mẻ này trong cả ngành, với giá trị ước tính 10 ngàn tỉ đô la.
Với những thuật ngữ bí hiểm phong cách Phố Wall như ETF “bảo vệ rủi ro nhiều lớp” và ETF “quyền chọn mua có bảo hiểm,” nhiều sản phẩm đầu tư hứa hẹn sẽ bảo vệ nhà đầu tư khi thị trường đảo chiều, đồng thời mang lại thu nhập cao. Nhưng mức độ phức tạp của các loại sản phẩm này có thể dẫn tới tác động ngược thậm chí ngay cả với nhà đầu tư lão luyện nhất.
Các hãng phát hành ETF nói họ chỉ đơn giản đáp ứng nhu cầu vô biên đòi hỏi phong cách đầu tư thông minh từ giới đầu tư cá nhân, địa hạt vốn trước kia là của riêng giới tinh hoa tài chính. Nhưng những người chuyên nghiệp trên thị trường và giới quản lý đều đang nghi vấn không biết người mua có biết họ đang mua thứ gì không, khi hướng dẫn trên YouTube thường bỏ qua phần rủi ro kỹ thuật như giảm giá do biến động ngoài dự kiến và suy giảm giá trị tài sản ròng, những rủi ro có thể là sống còn với danh mục của một nhà đầu tư ngày nào cũng mua mua bán bán.
“Điều quan trọng với ngành này là bảo đảm khách hàng hiểu họ có thể trông đợi gì từ những chiến lược đó. Đấy mới là vấn đề làm tôi lo lắng,” theo Hamilton Reiner, người đang điều hành ETF rất đắt hàng trị giá 36 tỉ đô la JPMorgan Equity Premium Income (JEPI), vốn chuyên hỗ trợ mở rộng cho những quỹ có cơ sở tài sản phái sinh. Đây là vấn đề toán học cơ bản: Chi trả lợi suất từ 30% trở lên gần như chắc chắn sẽ gây áp lực lên giá trị tài sản ròng của ETF, theo giám đốc danh mục của JPMorgan Asset Management.
“Không có bữa trưa nào miễn phí,” Reiner nói. “Sẽ luôn có người tuyên bố: Tôi sẽ giúp anh có lợi nhuận cao thế này thế kia, tất cả những gì anh cần là để yên cho tôi vay mượn. Và họ luôn chỉ nói tới khía cạnh tích cực, nhưng càng nói nhiều về chuyện tích cực, đồng nghĩa sẽ luôn có chuyện tiêu cực kèm theo. Nhưng không ai nói về vế kia của phương trình.”
Bất chấp, ba năm sau khi cơn cuồng cổ phiếu meme tràn ngập thị trường Mỹ ở quy mô chưa từng thấy, đám đông nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn đang xuống tiền tất tay.
Mầm mống của tình trạng tăng trưởng hiện giờ trong ngành đã được gieo từ thị trường giảm mạnh vào năm 2022. Quỹ JEPI của Reiner, với lợi suất tương đối thấp khoảng 8%, đã tăng được tài sản gấp ba lần lên thành 17 tỉ đô la, khi người mua tìm nơi trú ẩn ở một quỹ xoay xở kháng cự được mức suy giảm gần 20% của chỉ số S&P 500 nhờ chiến lược phòng thủ với tài sản quyền chọn. Những kết quả như vậy dẫn tới cuộc đổ xô đi tìm vàng trong ngành với các hãng sẽ bán mọi thứ, từ giao dịch giống như chỉ số tới đánh cược với quyền chọn dựa trên một cổ phiếu, cùng mục tiêu lợi nhuận và đòn bẩy vô cùng đa dạng.
Tốc độ tăng trưởng cho tới giờ là ấn tượng. Riêng năm nay, đã có 164 quỹ dựa trên tài sản phái sinh ra mắt ở Mỹ, một kỷ lục, có lúc các công ty đồng loạt mở tới 25 quỹ như vậy, và lượng tài sản đã tăng gấp sáu lần trong năm năm qua lên thành 300 tỉ đô la, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp.
Tiếp sức cho cơn cuồng loạn này là các quỹ bán quyền chọn để tạo ra tiền mặt, rồi trả lại cho cổ đông dưới dạng cổ tức. Nhưng trong khi thường được tiếp thị dựa trên các yếu tố đầu tư phòng thủ, chính lợi suất của những dạng tài sản này, thường được quảng bá là từ 100% trở lên, mới là điều hấp dẫn các nhà đầu tư qua mạng.
“Lãnh cổ tức, khỏi đi làm, khẩu hiệu là vậy,” Todd Akin, 38 tuổi, khẳng định. Anh đang phát triển kênh YouTube hứa hẹn sẽ dạy những người đăng ký kiếm được lợi nhuận lớn từ ETF trong một danh mục đa dạng hóa. “Tôi sẽ sống và chết với kết quả kinh doanh này.”
Nhưng ngay cả với lợi suất nghe không tưởng đấy, các ETF vẫn thường có lợi nhuận thua thị trường hay các cổ phiếu trong danh mục của họ. Ví dụ, trong năm vừa qua, ETF YieldMax Coin Option Income Strategy (CONY) đã trả lại lượng tiền mặt trị giá cao hơn 100% giá trị cổ phiếu của họ cho cổ đông. Nhưng bởi giá của ETF này giảm mạnh, xét tổng thu nhập, giá trị cổ đông nhận được cho tới giờ thực ra đã giảm, và thấp hơn so với cổ phiếu của công ty mà ETF này theo dõi, Coinbase Global.
Do cơn cuồng ETF chưa có dấu hiệu giảm xuống, giới quản lý nhà nước đang thấy lo lắng.
“Số lượng nhà đầu tư tự biên tự diễn đã tăng lên gấp nhiều lần trong khi độ phức tạp của sản phẩm tăng lên và hiện giờ gần như ai cũng có thể tiếp cận với một danh mục sản phẩm tài chính không giới hạn,” Cristina Martin Firvida, chuyên gia về bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư ở ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC), nói trong một cuộc phỏng vấn. “Những xu hướng này kết hợp lại nêu ra câu hỏi cấp thiết về tác dụng của đòi hỏi công bố thông tin kiểu truyền thống và vai trò trọng tâm của đòi hỏi này nhằm bảo vệ nhà đầu tư.”
Dẫu vậy, các sản phẩm đấy quả có nói rõ về rủi ro bằng các điều khoản in chữ siêu nhỏ, những bản cáo bạch sẽ nói rõ họ có thể tăng trưởng thua thị trường, nhất là khi thị trường tăng trưởng. Họ cũng nói người mua cơ bản đang hy sinh tài sản để đổi lấy thu nhập. Nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ cho rằng họ chấp nhận sự đánh đổi đấy để có thu nhập hàng tháng. Theo quan điểm của họ, tiền mặt từ các khoản cá cược trên thị trường quyền chọn mới quan trọng, còn thành tích của các cổ phiếu cơ sở cho những ETF không phải là mối bận tâm lớn nhất.
Nhưng trên những diễn đàn đầu tư tự biên tự diễn vốn rất lớn tiếng, các đặc điểm kỹ thuật dông dài và thách thức liên quan tới thành tích thực tế của sản phẩm đầu tư ăn khách có nguy cơ phải nhường chỗ cho quảng bá ồn ào. Cơ quan Quản lý ngành tài chính Mỹ (FIRA) gần đây đã theo dõi hoạt động trên mạng xã hội của những “influencer” tài chính được trả lương và thấy rằng 70% các bài đăng không tuân thủ quy định của cơ quan này. (Nghiên cứu bao gồm nhiều loại chiến lược đầu tư khác nhau, chứ không nhắm cụ thể vào ETF cơ sở tài sản phái sinh.) Hơn một nửa bài đăng không công bố rõ nội dung là quảng cáo có trả tiền, trong khi 38% không nói chi tiết rủi ro liên quan tới việc sử dụng kỹ thuật ký quỹ, vay chứng khoán và hợp đồng quyền chọn.
Những bài đăng khác cổ xúy sản phẩm sử dụng tài sản phái sinh để tăng lợi nhuận, tạo ra các chứng khoán có lợi nhuận gấp nhiều lần những thăng giáng thường ngày của chỉ số nền hay của cổ phiếu một công ty, như Nvidia. Dân giao dịch hàng ngày rất thích các sản phẩm đấy và nhiều nhà phân tích coi đó là cách hợp lý để thỏa mãn ham muốn bài bạc trên sàn chứng khoán, khi sử dụng điều độ. Nhưng các sản phẩm đấy cũng có thể dẫn tới thua lỗ nhanh chóng, và chi phí vận hành vốn đã được tính sẵn với các sản phẩm đấy có thể hủy diệt nhà đầu tư nào chơi món đó quá lâu.
“Chúng ta đang chứng kiến hoạt động marketing tập trung rất nhiều vào nỗi sợ hãi và lòng tham, nhiều nội dung đánh vào cảm xúc như: Chỉ có đồ ngu mới không đầu tư gấp ba số đấy,” theo Dave Nadig, chuyên gia ngành ETF.
“Sản phẩm nhiều lên nhanh đến phát ngợp, và chủ yếu là bất lợi cho nhà đầu tư. Với tôi, tình hình có cảm giác hết sức hỗn loạn.”
Hiệu ứng hòn tuyết lăn với hoạt động phát hành ETF có thể lần về từ năm 2019, khi SEC thu gọn quá trình phê chuẩn các sản phẩm này. Thường được gọi là “quy định ETF,” luật lệ mới nới lỏng hạn chế trong ra mắt quỹ mới và cho phép hãng phát hành được tự do hơn với các chứng khoán đóng gói. Thay đổi thứ hai diễn ra vào năm 2020, thường được gọi là “quy định phái sinh,” cho phép họ được phê chuẩn nhanh nếu như có kèm theo một số bảo đảm nhất định.
Những người ủng hộ thị trường tự do nói thay đổi đáng lẽ phải diễn ra từ lâu rồi, để dân chủ hóa khả năng được tiếp cận tài chính, trao quyền cho nhà đầu tư cá nhân, để họ được sử dụng các chiến lược mới nhất. Tinh thần giải phóng này là động lực cho các công ty như Tidal Financial Group, vốn đã hậu thuẫn cho hàng loạt quỹ ra mắt năm nay.
“Hàng rào truyền thống đang bị phá bỏ vì các ETF là sản phẩm trực tiếp tới tay người tiêu dùng,” theo Gavin Filmore, giám đốc thu nhập ở Tidal. “Ngay khi tôi ra mắt một sản phẩm, mọi người giao dịch ngồi ở nhà cũng có thể mua được, như giày sneaker, như snack khoai tây.”
YieldMax, hãng phát hành ETF hợp tác với Tidal, đã gom được hơn bốn tỉ đô la tài sản trong không đầy hai năm kể từ khi ra mắt ETF đầu tiên.Họ là một trong những tên tuổi tăng trưởng nhanh nhất với khoảng 10.000 người tham gia mỗi ngày trên trang Reddit của chuyên các sản phẩm của họ. Với Jay Pestrichelli, giám đốc danh mục cho các chiến lược đầu tư có trên YieldMax, “điều này khả thi nhờ nới lỏng quy định.” YieldMax tự hào có nhiều chiến lược thu nhập quyền chọn, bao gồm những khoản đầu tư có thể giảm giá khi sản phẩm liên hệ với công ty tăng giá và ngược lại (dân trong nghề gọi là chiến lược nghịch đảo).
Pestrichelli thường tham gia các cuộc phỏng vấn và hỏi đáp kéo dài 30 phút trên YouTube với nhà đầu tư. Vào tháng Sáu, công ty đã tập hợp hơn một chục “influencer” để cùng rung chuông trên sàn chứng khoán New York kỷ niệm lễ ra mắt một quỹ mới.
“Chúng tôi tới trực tiếp với các cộng đồng tìm kiếm lợi suất và trao đổi với họ qua nhiều kênh khác nhau,” Pestrichelli nói. “Chúng tôi nghĩ rằng trao đổi trực tiếp với cộng đồng đấy là cách hiệu quả nhất để truyền tải thông điệp và nâng cao ý thức.”
Ở Roundhill, CEO Dave Mazza lưu ý rằng mối quan tâm lớn mới mẻ này với các sản phẩm đang ngày càng mở rộng của công ty ông, gồm những câu hỏi về ETF Roundhill Innovation-100 0DTE Covered Call Strategy (QDTE), vốn đã được đầu tư hơn 450 triệu đô la kể từ khi ra mắt hồi tháng Ba. Những nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia đã ảnh hưởng tới chiến lược của công ty. Roundhill mới đây đã ra mắt một quỹ các cổ phiếu vốn hóa nhỏ, quyền chọn có bảo hiểm, mà ý tưởng xuất phát từ yêu cầu của nhà đầu tư nhỏ lẻ. Công ty cũng nhận được yêu cầu về áo phông, nón mũ và chai nước có dán nhãn các ETF ăn khách nhất, và trang web của họ có lượng truy cập tăng mạnh trong năm vừa qua. Mazza cũng đã trả lời phỏng vấn nhiều YouTuber, và Roundhill nói các khoản đầu tư của họ có xu hướng tăng lên mỗi lần các phỏng vấn đấy được đăng trên mạng.
“Nhiều người vẫn coi đây là kiểu cổ phiếu meme, tôi hoàn toàn phản đối quan điểm đó,” Mazza nói. “Những người này rất nhiệt tình muốn có thu nhập, và đó là mục tiêu rất khác.” Dẫu vậy, ông cho rằng vẫn cần nâng cao nhận thức và hiểu biết về cách vận hành ETF.
Ý kiến phản đối các chiến lược đầu tư này tất nhiên rất nhiều, trong đó có quan điểm cho rằng “lợi suất” trên thị trường vốn phức tạp hơn nhiều so với trên video YouTube. Trong khi đúng là lợi nhuận từng tháng có thể rất cao, thường đó là do giá trị tài sản ròng của ETF hao hụt dần, tương tự như hiệu ứng với giá cổ phiếu thông thường sau khi trả cổ tức vậy.
Đó là lý do tại sao David Streeter, cựu nhân viên chấp pháp ở hạt St. Lucie, Florida, đã nghỉ hưu ba năm trước, tỏ ra thận trọng. Streeter, người sáng lập Sandstone Capital, không phản đối lợi suất. Ông nhận được thu nhập hàng tháng đều đặn từ các cổ tức. Nhưng trong khi nhiều khoản đầu tư của ông mang lại giá trị, một khoản đầu tư nhỏ vào ETF của YieldMax, TSLA Option Income (TSLY) đã thua lỗ 40%, khiến ông phải bán ra không lâu sau khi mua vào lần đầu tiên.
“Nhà đầu tư cần cẩn trọng khi thấy những con số lợi nhuận trên 10% hàng tháng,” Streeter, 57 tuổi nói. Ông cũng khuyến cáo nhà đầu tư đa dạng hóa tiền vốn: “Hãy tìm hiểu cách thức vận hành của quỹ quyền chọn có bảo hiểm. Trong trường hợp của tôi đây, giá trị tài sản ròng biến mất hoàn toàn. May mắn cho tôi, số tiền đó chỉ chiếm 1% danh mục. Tôi coi đó là thiệt hại ngoài dự kiến.”
Nhưng cơn cuồng loạn không vì thế mà dừng lại. Lấy ví dụ, một quỹ đầu tư Nvidia bằng tiền vay đã có tài sản tăng vọt từ 200 triệu lên thành năm tỉ đô la vào đầu năm nay, và nhiều nhà quan sát nói chính mức tăng trưởng cỡ đó đã khiến nhiều tay chơi lớn nhảy vào cuộc.
Troy Cates, nhà sáng lập của NEOS Investments, nói sẽ là sai lầm nếu chỉ tập trung vào thành tích của các ETF so với các chỉ số, do tạo ra thu nhập cũng là mục tiêu lớn. Và người mua cần cân nhắc tổng mức họ sẽ thu về khi lựa chọn đầu tư.
“Cuối cùng thì khách hàng sẽ phải tự tìm hiểu rủi ro gắn với mỗi khoản đầu tư, dù là lợi suất thấp hay lợi suất rất cao,” Cates nhận định.
Tin tưởng nhà đầu tư sẽ thận trọng là điều rất hay ho, trên lý thuyết. Nhưng khi mà những người cổ xúy các nhà đầu tư nhỏ lẻ rất lớn tiếng và hứa hẹn đủ thứ từ các sản phẩm này, dân chuyên nghiệp trên thị trường lo ngại rằng tiếng nói của họ không được lắng nghe.
“ETF là công cụ đầu tư rất hiện đại và tuyệt vời cả cho chiến lược chủ động và thụ động,” Reiner ở JPMorgan nói. “Nhưng không phải cứ ETF là tốt hơn.”
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/quy-etf-hua-hen-loi-suat-100-52603.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
Gói đăng ký
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: [email protected]
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media