Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Matthew Tuttle là một trong những người đầu tiên tạo ra các quỹ ETF đòn bẩy dựa trên từng mã cổ phiếu riêng lẻ — một loại sản phẩm tài chính đang thu hút khoảng 22 tỷ USD từ nhà đầu
Tác giả: Emily Graffeo và Vildana Hajric
12 tháng 07, 2025 lúc 6:03 AM
Tại một văn phòng tại gia ở Greenwich, bang Connecticut, Matthew Tuttle không kiếm được nhiều tiền từ phần mềm giao dịch, mà là từ hai màn hình phụ được kết nối ngay bên cạnh.
“Đây là một kênh Discord, kia cũng là một kênh Discord,” người đàn ông 56 tuổi nói khi chỉ vào nhiều cửa sổ đang chạy nền tảng nhắn tin trực tuyến.
Những màn hình này là bí quyết giúp Tuttle thành công với vai trò nhà quản lý quỹ phi truyền thống. Ông đang điều hành 4,5 tỉ đô la cùng một đội ngũ làm việc hoàn toàn từ xa. Đây cũng là chìa khóa cho một trào lưu đang thử thách giới hạn của thị trường quỹ ETF trị giá 11.700 tỉ đô la của Mỹ.
Tuttle là một trong những người tiên phong phát triển ETF đòn bẩy dựa trên cổ phiếu đơn lẻ — tức các quỹ sử dụng công cụ phái sinh để khuếch đại, hoặc đảo chiều và khuếch đại, hiệu suất của một mã chứng khoán duy nhất. Vài năm trước, các sản phẩm rủi ro và biến động cao này vẫn chưa xuất hiện tại Mỹ, nơi ETF thường được gắn với khái niệm đầu tư chỉ số chi phí thấp. Tuy nhiên, nhờ một thế hệ nhà đầu tư cá nhân mới, yêu thích rủi ro và giao dịch ngắn hạn, các quỹ này hiện đã thu hút khoảng 22 tỉ đô la và tiếp tục tăng mạnh.
Hơn 3 tỉ đô la trong số đó thuộc quyền quản lý của Tuttle Capital Management — một công ty non trẻ với 14 nhân sự, tính cả Tuttle. Từ văn phòng gọn gàng nhưng bận rộn, ông điều phối nhóm thu thập ý tưởng từ nhiều kênh mạng xã hội và chuyển hóa thành các ETF dễ tiếp cận, thường hợp tác với các công ty khác. Hiện công ty đang vận hành 29 sản phẩm, trong đó nổi bật là quỹ trị giá 1,7 tỉ đô la ra mắt cùng REX Shares, cung cấp lợi suất gấp đôi mỗi ngày so với công ty Strategy của Michael Saylor đang nắm giữ Bitcoin.
“Những người này cực kỳ thông minh,” Tuttle nói về nhóm cộng tác của mình trên mạng xã hội. “Họ đưa ra rất nhiều ý tưởng cổ phiếu tuyệt vời.”
Tuy nhiên, không phải ai cũng chia sẻ quan điểm đó. Nhiều chuyên gia cho rằng nhóm quỹ này đang cung cấp sản phẩm rủi ro cao cho các nhà đầu tư thiếu hiểu biết đầy đủ, đồng thời tạo ra các công cụ đầu tư ngày càng phi lý. Trong năm nay, các quỹ ETF đòn bẩy cổ phiếu đơn đã nhiều lần sụt giảm mạnh. Các quỹ gắn liền với cổ phiếu Strategy thường được xem là một trong những quỹ biến động nhất tại Mỹ.
Dù vậy, dòng tiền vẫn tiếp tục đổ vào, và các quỹ mới vẫn liên tục được ra mắt. Trong văn phòng có treo bức tranh vẽ ông và một chú chó mặc áo len giống hệt nhau, Tuttle đã tạo ra những quỹ đầu tư cực kỳ táo bạo. Một trong số đó nhân đôi hiệu suất cổ phiếu Trump Media & Technology Group. Một quỹ khác đặt cược mạnh tay vào cổ phiếu meme GameStop vốn đã rất bất ổn.
“Tôi không ủng hộ chiến lược phân bổ tài sản kiểu truyền thống, kiểu tỉ lệ 60–40,” Tuttle nói. “Tôi cho rằng nếu biết cách giao dịch, bạn có thể làm tốt hơn nhiều.”
Cơn sốt đăng ký quỹ mới
Theo Bloomberg Intelligence, năm 2024 có 73 ETF đòn bẩy hoặc đảo chiều ra mắt tại Mỹ — nhiều hơn tổng số của cả hai năm trước cộng lại. Trong đó, hơn một nửa là dựa trên cổ phiếu đơn lẻ. Năm nay, con số đó đã bị vượt qua, với hơn 100 quỹ ETF dạng này, trong đó khoảng ba phần tư có liên quan đến cổ phiếu đơn.
Phần lớn ETF cổ phiếu đơn của Tuttle được triển khai trong hợp tác với REX. Ông đã nộp hồ sơ xin thành lập hơn 100 quỹ đặt cược khuếch đại theo cả hai chiều với các công ty như Super Micro Computer Inc. (SMIC), AMC Entertainment và Tilray Brands. Thậm chí, ông còn nộp hồ sơ cho các quỹ ăn theo đồng tiền mã hóa của ông Trump và bà Melania.
“Đi trước và tạo tiếng vang là điều quan trọng,” Tuttle nói trong lúc chú chó Parker, giống lai giữa Havanese và poodle, cuộn mình trên đùi ông. “Chi phí nộp hồ sơ không lớn, và bạn không thể biết trước điều gì sẽ xảy ra.”
Bên cạnh việc khai thác một thị trường đang tăng trưởng nhanh, làn sóng hồ sơ mới còn phản ánh niềm tin của Tuttle và nhiều người khác rằng, dưới thời chủ tịch mới và Tổng thống Trump, Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) sẽ dễ dãi hơn trước đây. Theo các chuyên gia trong ngành, năm nay cơ quan này đã làm rõ quy định về loại chứng khoán có thể làm cơ sở cho ETF cổ phiếu đơn đòn bẩy, mở rộng danh mục ứng viên tiềm năng.
“Tôi từng nộp hồ sơ cho ETF đảo chiều Bitcoin cuối năm 2021,” Tuttle kể. “Chỉ một tiếng sau, SEC gọi điện yêu cầu rút hồ sơ. Nhưng lần này, tôi vừa nộp hồ sơ cho quỹ nhân đôi đồng Trump và Melania mà đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.”
Rủi ro rõ ràng
Những sản phẩm này đã đi một chặng đường dài kể từ khi ra đời tại Mỹ. Dù đã xuất hiện ở châu Âu từ năm 2017, ETF đòn bẩy cổ phiếu đơn mãi đến năm 2022 mới được đưa vào Mỹ. Trước đó, SEC nhiều lần phản đối sự ra đời của các quỹ này, nhưng một thay đổi quy tắc nhằm hiện đại hóa quy trình lập quỹ đã vô tình mở đường cho chúng. Dù cho phép niêm yết, giới chức vẫn cảnh báo rằng sản phẩm này không phù hợp với phần lớn nhà đầu tư cá nhân.
Một năm sau, Ủy ban Cố vấn Đầu tư của SEC cho rằng các sản phẩm này có rủi ro “khác biệt rõ rệt so với ETF truyền thống” vì thiếu tính đa dạng hóa danh mục. Ủy ban này khuyến nghị đổi tên sản phẩm để phản ánh đúng mức độ rủi ro.
SEC từ chối bình luận.
“Với cách công bố thông tin như hiện nay, các nhà đầu tư cá nhân có thể không nhận ra được mức độ rủi ro thật sự của các sản phẩm này,” Benjamin Schiffrin, chuyên gia tại nhóm vận động Better Markets có trụ sở ở Washington, nhận xét. “Các quỹ này được thiết kế cho nhà đầu tư chuyên nghiệp và chỉ nên nắm giữ trong một ngày. Không hơn.”
Lý do là mức đòn bẩy chỉ áp dụng cho lợi suất trong ngày, và mỗi ngày đều phải điều chỉnh lại, làm phát sinh chi phí vận hành. Khoản chi này làm giảm hiệu quả đầu tư dài hạn và có thể bào mòn số tiền còn lại trong quỹ. Quỹ đòn bẩy kép theo Strategy (double-Strategy) do Tuttle quản lý tăng khoảng 22% trong năm nay, trong khi Strategy tăng 46%.
Một rủi ro lớn khác là đòn bẩy hoạt động theo cả hai chiều, nghĩa là có thể lỗ rất nhanh và rất dữ dội.
Tại Defiance ETFs, một đối thủ của Tuttle Capital, tổng giám đốc Sylvia Jablonski cho rằng việc tiếp cận thông tin và tìm hiểu về ETF hiện đã dễ dàng hơn nhiều, và nhiều nhà đầu tư cá nhân đang dần hiểu được điều đó.
“Tôi cho rằng hiện nay thị trường đã cung cấp rất nhiều thông tin từ các công ty môi giới và đơn vị phát hành,” Jablonski, đang làm việc tại New York, nói. “Nhà đầu tư đã hiểu rõ họ đang làm cái gì.”
Nhóm năm người của Defiance làm việc từ nhiều địa điểm khác nhau, bao gồm nhà riêng, không gian làm việc và một văn phòng nhỏ ở Miami. Những công việc như giao dịch và tuân thủ quy định được hãng thuê các bên thứ ba thực hiện. Kể từ khi ra mắt quỹ ETF đòn bẩy cổ phiếu đơn đầu tiên vào tháng 8, tốc độ tăng trưởng tài sản của đơn vị phát hành này đã tăng mạnh. Hiện Defiance đang quản lý 5 tỉ đô la và cung cấp hơn 30 quỹ, bao gồm các quỹ liên quan đến Strategy, Rigetti Computing và Super Micro.
Theo Jablonski, vai trò cốt lõi của một nhà quản lý quỹ là giáo dục nhà đầu tư. Defiance phát hành bản tin hai lần mỗi tuần và đăng các bài viết lên trang web của công ty. Jablonski cũng thường xuyên xuất hiện trên nhiều nền tảng truyền thông, từ truyền hình đến YouTube và podcast, để chia sẻ quan điểm đầu tư.
Tại văn phòng ông chia sẻ cùng vợ trong căn nhà theo phong cách Tân thuộc địa, Tuttle cũng đồng tình với quan điểm đó. Ông điều hành một bản tin hàng ngày, một podcast hàng tuần và các buổi hội thảo trực tuyến hàng tháng nhằm giáo dục và duy trì sự kết nối với cộng đồng nhà đầu tư. Theo ông, miễn là nhà đầu tư được trang bị kiến thức đầy đủ, họ có quyền quyết định nơi đầu tư và mức độ rủi ro họ có thể chấp nhận.
“Một phần của việc học cách giao dịch là phải thua lỗ, vì bạn sẽ biết những gì không nên làm,” ông nói. “Nếu tôi muốn mất tiền, thì đó là quyền của tôi với tư cách là một công dân Mỹ.”
Phố Wall ‘đã hỏng’
Tuttle không phải là người đầu tiên ra mắt quỹ ETF đòn bẩy cổ phiếu đơn, dù ông cho biết mình từng góp phần phát triển những sản phẩm đầu tiên tại Mỹ trong thời gian ngắn làm việc tại AXS Investments — nơi ông gia nhập sau khi bán một số quỹ, bao gồm cả quỹ chống Cathie Wood gây tranh cãi. Sau đó, các công ty như GraniteShares và Direxion cũng lần lượt gia nhập thị trường. Quỹ ETF nhân đôi hiệu suất cổ phiếu Tesla trị giá 5,8 tỉ đô la của Direxion hiện là quỹ lớn nhất thuộc phân khúc này.
Tuy nhiên, ngay cả những công ty tham gia muộn cũng có thể phát triển mạnh nhờ nhu cầu tăng liên tục từ các nhà đầu tư cá nhân. Nhóm nhà đầu tư này không tin tưởng hệ thống tài chính truyền thống và cố ý từ chối các phương pháp đầu tư bảo thủ. Tuttle đã tận dụng điều đó để xây dựng thương hiệu. Khi truy cập website công ty của ông, người dùng sẽ thấy một cửa sổ bật lên với dòng chữ: “Phố Wall đã hỏng.”
“Những công ty nhỏ như chúng tôi không thể cạnh tranh với BlackRock,” Tuttle nói. “Tôi có thể nghĩ ra một ý tưởng đầu tư rất hay trên lý thuyết, nhưng sẽ chẳng ai mua cả. Nhưng ở đây, có một nhóm nhà đầu tư nhìn nhận mọi thứ theo cách hoàn toàn khác.”
Việc nhắm đến nhóm nhà đầu tư “degen” (liều lĩnh, thích rủi ro cao) đã mở ra con đường thành công trong thị trường ETF rộng lớn, vốn đang bị chi phối bởi các tập đoàn quản lý tài sản khổng lồ. Những đơn vị phát hành mới thường không có quyền tiếp cận hệ thống phân phối như BlackRock hay Vanguard, vì phần lớn các cố vấn tài chính chuyên nghiệp chỉ giới thiệu hoặc mua những quỹ được niêm yết trên các nền tảng do ngân hàng lớn điều hành. Các nền tảng này thường yêu cầu mức tài sản tối thiểu và hồ sơ hoạt động ổn định.
“Đó giống như một cuộc chơi khép kín,” Will Rhind, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành GraniteShares, nhận xét. “Bạn phải xây dựng doanh nghiệp dựa trên các kênh mà bạn có thể tiếp cận, và rõ ràng kênh nhà đầu tư cá nhân là một trong số đó.”
Cỗ máy in tiền
Từ một không gian làm việc chung tại khu trung tâm Manhattan, Rhind đã phát triển GraniteShares thành đơn vị quản lý hơn 9 tỉ đô la, trong đó ba phần tư đến từ ETF đòn bẩy cổ phiếu đơn. Công ty bắt đầu cung cấp loại sản phẩm này ở châu Âu từ năm 2019, nên đã sẵn sàng tận dụng cơ hội khi thị trường Mỹ mở cửa.
Rhind kiên quyết tránh “cái bẫy cho rằng nhà đầu tư lúc nào cũng kém hiểu biết,” nên đã đưa ra các sản phẩm phức tạp hơn, kết hợp chiến lược quyền chọn để tăng lợi suất.
“Hãy xem đó như cách thay đổi thị trường vay ký quỹ, cung cấp đòn bẩy với chi phí như tổ chức chuyên nghiệp,” ông nói. “Cơ hội này không chỉ dừng lại ở 20 hay 30 ETF. Đây là cơ hội lớn hơn nhiều.”
Trong một môi trường mang đậm tinh thần khởi nghiệp như vậy, thất bại là điều khó tránh khỏi — và Tuttle hiểu rõ điều đó hơn bất kỳ ai. Bên cạnh những vụ ra mắt quỹ ấn tượng nhất vài năm qua, ông cũng đã phải đóng cửa ít nhất một chục sản phẩm trong danh mục ETF, bao gồm các quỹ liên quan đến Jim Cramer và một quỹ quốc phòng có tên “GUNZ.”
Mỗi lần thanh lý đều tốn kém, nhưng chỉ cần một sản phẩm thành công lớn là có thể bù lại dễ dàng. Do tính chất đặc thù và phức tạp của ETF đòn bẩy cổ phiếu đơn, các đơn vị phát hành có thể thu phí quản lý cao hơn nhiều so với mức trung bình ngành. Ví dụ, quỹ double-Strategy do Tuttle điều hành thu phí 1,05%, so với mức trung bình 0,61% của các ETF cổ phiếu thông thường.
Theo ước tính của Bloomberg Intelligence, danh mục ETF đòn bẩy do Tuttle Capital Management quản lý có thể mang lại doanh thu khoảng 35 triệu đô la mỗi năm dựa trên phí quản lý và tài sản đang nắm giữ. Với Defiance và GraniteShares, con số tương ứng có thể là 30 triệu và 80 triệu đô la.
Đây chỉ là các ước tính sơ bộ, vì doanh thu phụ thuộc vào quy mô tài sản, và phần lớn số tiền này sẽ được chia sẻ với các đối tác mà mỗi nhà quản lý hợp tác. Tuy nhiên, các con số này cho thấy tiềm năng sinh lời rất lớn của các công ty, ngay cả khi đội ngũ cốt lõi chủ yếu làm việc tại nhà hoặc trong không gian chia sẻ.
Cuối cùng, theo Tuttle, thành công hay thất bại sẽ do thị trường quyết định.
“Nếu tôi tung ra một quỹ 2X mà không ai muốn mua, tôi sẽ lỗ nặng,” ông nói. “Nhưng nếu thị trường cần, thì tôi đang cung cấp cho họ một công cụ.”
— Với sự hỗ trợ của Sid Verma
Theo Bloomberg
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/nhung-cuoc-choi-etf-day-rui-ro-dang-mang-lai-hang-ti-do-la-my-53748.html
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
BÀI LIÊN QUAN
Gói đăng ký
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: [email protected]
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media