Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Giải pháp
Mumbai thiếu sự chuẩn bị một cách nghiêm trọng, ngay cả khi các cơn bão tàn phá xuất hiện ngày càng thường xuyên hơn.
Con đường đi dạo Bandstand Promenade vào một buổi tối nhộn nhịp. Hình ảnh: Ramesh R. Nair/Shutterstock
Tác giả: Lou Del Bello
05 tháng 06, 2025 lúc 10:00 AM
Dải Bandstand Promenade dọc bờ biển Mumbai mang lại sự yên bình hiếm hoi giữa sự ồn ào và náo nhiệt của thành phố hơn 20 triệu dân. Người dân thuộc mọi tầng lớp và đẳng cấp cùng dạo bước, ăn vặt và chụp ảnh selfie, trong khi các câu lạc bộ gần đó phát nhạc sôi động xuyên đêm. Phía đối diện con đường hai làn chạy dọc lối đi lát đá là những căn biệt thự xa hoa của các tỉ phú và ngôi sao Bollywood, khuất sau những cánh cổng sắt lạnh lùng và vườn cây xanh mướt.
Tuy nhiên, tất cả những điều đó đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ bởi thời tiết cực đoan. Từ lâu, bão nhiệt đới — tương đương với siêu bão ở Nam Á — chủ yếu hoành hành dọc bờ biển phía Đông Ấn Độ, từ Kolkata xuống Chennai, trong khi bờ Tây ít bị ảnh hưởng hơn. Thế nhưng, hiện tượng nóng lên toàn cầu đã khiến bão xuất hiện thường xuyên hơn trên Biển Ả Rập, nơi tiếp giáp vùng duyên hải phía Tây. Trong thế kỷ 19 và 20, theo các tài liệu đáng tin cậy, chỉ có năm cơn bão đe dọa hoặc đổ bộ vào Mumbai. Nhưng chỉ trong năm năm qua, đã có hai cơn bão tiến gần thành phố này, trong đó bão Tauktae năm 2021 gây hư hại nặng cho một giàn khoan dầu ngoài khơi.
Dù tần suất và cường độ bão ở phía Tây vẫn thấp hơn phía Đông, Mumbai lại đối mặt với rủi ro lớn hơn do khu vực này gần như chưa có biện pháp phòng chống bão nào. Hàng triệu người dân đang sống trong các khu ổ chuột dễ bị biến thành sông bùn mỗi khi mùa mưa đến. Các khu vực của giới thượng lưu được bảo vệ tốt hơn, nhưng Mumbai là trung tâm tài chính toàn cầu, có nhiều nhà máy hóa dầu, cơ sở sản xuất và là nơi đặt đại bản doanh của ngành điện ảnh Bollywood — tất cả đều có thể chịu thiệt hại nghiêm trọng nếu một cơn bão mạnh ập đến.
Giống như Venice, Mumbai được xây dựng từ nhiều đảo nhỏ. Từ thế kỷ 18, chính quyền thực dân Anh đã xây dựng các con đường, cầu nối và đê chắn sóng để liên kết và bảo vệ các phần đất rời rạc. Tuy nhiên, khác với Venice, phần lớn sông ngòi và vùng đất ngập nước của Mumbai đã bị lấp, khiến thành phố ngày nay trở thành một tổ hợp đất chỉ cao vài mét so với mực nước biển và hầu như bất lực trước một cơn mưa lớn hoặc khi sóng biển dâng cao.
Ngược lại, bờ biển phía Đông Ấn Độ đã xây dựng mạng lưới nhà tránh bão, cải tạo và mở rộng hệ thống thoát nước, đồng thời lắp đặt hệ thống còi báo động để cảnh báo người dân khi có nguy hiểm. Dù một số khu vực vẫn bị ngập lụt gần như hàng năm, chính quyền nơi đây đã chuẩn bị kế hoạch chống bão khá toàn diện. Sau khi cơn bão năm 1999 khiến hơn 10.000 người thiệt mạng ở khu vực phía Nam Kolkata, các hệ thống cảnh báo sớm đã được lắp đặt và các cuộc diễn tập sơ tán được tổ chức thường xuyên.
Ngày nay, ngay cả những cơn bão dữ dội nhất cũng chỉ gây ra số thương vong dưới mười người. “Nhiều thập niên đối mặt với thiên tai đã giúp chúng tôi có khả năng ứng phó với thời tiết cực đoan của bờ Đông,” Yogesh Patil, tổng giám đốc hãng dự báo thời tiết tư nhân Skymet, cho biết. “Bờ Tây, đặc biệt là Mumbai, lại quá thiếu sự chuẩn bị và đang trong tình trạng nguy hiểm.”
Mumbai hiện đang cố gắng tăng cường khả năng ứng phó với bão, bao gồm việc xây dựng ba bể chứa ngầm khổng lồ — mỗi bể có thể chứa lượng nước tương đương 12 hồ bơi Olympic — nhằm giữ lại nước mưa và xả dần khi thời tiết khô ráo trở lại. Tuy nhiên, phần lớn hệ thống thoát nước của thành phố được xây dựng từ thời Raj (giai đoạn thuộc địa của Anh), và chỉ đủ sức xử lý khoảng 2 cm mưa mỗi giờ.
Trong khi đó, các cơn bão hiện nay có thể trút xuống lượng nước gấp đôi mức đó. Những tòa nhà xây từ thời thuộc địa đặc biệt dễ bị ảnh hưởng vì nằm ở khu vực trung tâm ven biển, thiếu cửa chống bão, thiết kế chịu gió và vật liệu chống thấm như các công trình hiện đại. Với việc Mumbai đóng góp gần 5% GDP của Ấn Độ, một cơn bão mạnh “sẽ gây hiệu ứng dây chuyền nghiêm trọng,” Mahesh Narvekar, giám đốc văn phòng phòng chống thiên tai của thành phố, cảnh báo.
Quy hoạch tổng thể của thành phố Mumbai nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển hạ tầng, nhà ở giá rẻ và thịnh vượng kinh tế. Thành phố hiện đang triển khai kế hoạch xây dựng hạ tầng trị giá 30 tỉ USD, bao gồm đường sá, cầu cống và nâng cấp hệ thống tàu điện ngầm. Tuy nhiên, giới phê bình cho rằng quy hoạch này gần như phớt lờ rủi ro khí hậu, khi nhiều đoạn cao tốc ven biển được thiết kế nằm sát mực nước biển, đến mức chỉ cần bão quét qua gián tiếp cũng có thể khiến toàn tuyến đường bị ngập.
Tuyến metro mới là tuyến đầu tiên đi qua các hầm ngầm, do đó có nguy cơ bị ngập nước, dù chính phủ khẳng định hệ thống này được thiết kế đủ kín để không bị ảnh hưởng ngay cả trong bão lớn. Cùng lúc đó, một chương trình tái phát triển khác được kỳ vọng sẽ cải thiện điều kiện sống cho khoảng 1 triệu cư dân khu ổ chuột Dharavi, nằm cách Bandstand Promenade khoảng 5 km về phía Đông, nhưng khu vực này vẫn nằm trên vùng đất trũng dễ bị ngập lụt.
Kể từ thập niên 1990, mực nước biển quanh Mumbai đã tăng khoảng 3 cm mỗi mười năm, theo Viện Khí tượng Nhiệt đới Ấn Độ. Với mỗi centimet nước biển dâng, đường thủy triều cao có thể lấn sâu thêm gần 6 mét vào đất liền. Các nhà khoa học cảnh báo nếu lượng khí thải carbon tiếp tục tăng, hơn 16% diện tích vùng đô thị mở rộng của Mumbai — bao gồm cả những khu đang xây dựng hạ tầng mới — có thể chìm dưới nước vào cuối thế kỷ này.
“Khi trao đổi với giới chức địa phương, họ vẫn ủng hộ cách làm cũ và tiếp tục xây dựng ở các khu vực dễ tổn thương,” Debi Goenka, người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Conservation Action Trust, nói. “Tôi tự hỏi liệu họ có từng nghe đến khái niệm biến đổi khí hậu hay chưa.”
Mumbai đang cố gắng hành động nhanh nhất có thể, theo bà Lubaina Rangwala, chuyên gia quy hoạch đô thị thuộc chi nhánh Ấn Độ của Viện Tài nguyên Thế giới (WRI), một tổ chức tư vấn đã hỗ trợ thành phố xây dựng kế hoạch ứng phó khí hậu. Tuy nhiên, bà cho biết các nỗ lực đánh giá rủi ro tiềm tàng thường bị trì hoãn vì giới lập pháp lo ngại về tác động đến cuộc sống hiện tại của người dân. “Phần lớn những gì được xây dựng từ thời thuộc địa vẫn được giữ nguyên như vậy cho đến nay,” bà Rangwala nói. “Chúng tôi chưa thực sự hình thành được văn hóa quy hoạch đô thị.”
Tại khu Bandra-Kurla Complex, một trong những khu vực phát triển nhanh nhất Mumbai, các ngân hàng lớn như ICICI, Kotak Mahindra và Ngân hàng Ấn Độ đặt trụ sở trên phần đất lấn biển từ các dòng kênh rạch cũ, cùng với hàng chục tập đoàn như Reliance Industries và Amazon. Dù nơi đây có nguy cơ ngập lụt nặng khi bão lớn đổ bộ, nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục đổ về, một phần vì họ có thể mua bảo hiểm cho tài sản, trụ sở và hoạt động kinh doanh.
Nhưng theo bà Surbhi Goel, giám đốc điều hành của hãng tái bảo hiểm Munich Re India, mức phí bảo hiểm hiện nay “không đủ để bù đắp rủi ro khí hậu trong tương lai”, do đó ngành tài chính — và toàn bộ cư dân Mumbai — nên chuẩn bị tinh thần cho việc chi phí bảo hiểm sẽ tăng vọt.
Khu dân cư phía sau Bandstand Promenade là một trong những nơi có nguy cơ chịu thiệt hại nặng nề nhất từ thời tiết cực đoan. Tên gọi của khu vực này bắt nguồn từ các buổi biểu diễn âm nhạc tổ chức tại đây thời Anh thuộc, khi khả năng bị ngập gần như bằng không. Ngày nay, lối đi ven biển này thường xuyên bị sóng biển tràn qua. Các dự báo khí hậu cho thấy đến cuối thế kỷ 21, lối đi này nhiều khả năng sẽ hoàn toàn chìm dưới nước.
Những căn biệt thự và chung cư cao cấp đối diện khu Bandstand phần lớn được xây dựng để chống chịu các đợt mưa lớn thường gây thiệt hại tại các khu nghèo. Tuy nhiên, triều cường do bão gây ra có thể dễ dàng nhấn chìm khu vườn và tầng trệt của những căn nhà trị giá hàng triệu USD này.
“Thảm họa mang tính hủy diệt vẫn chưa xảy ra,” doanh nhân Jagpreet Singh Sandhu, người sống tại đây từ năm 2018, nhận định. Theo ông, một cơn bão quét trực diện “là điều không thể tránh khỏi.” Những thành phố như Mumbai “rồi sẽ đến lúc không thể tồn tại được nữa.”
Theo Bloomberg
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/nhieu-biet-thu-xa-hoa-o-mumbai-an-do-co-the-bien-mat-do-thoi-tiet-cuc-doan-53368.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
BÀI LIÊN QUAN
Gói đăng ký
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: [email protected]
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media