Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Kinh tế
Joanne Hsu từ Đại học Michigan nhận thấy tâm lý hộ gia đình Mỹ đang xấu đi rõ rệt nhưng chưa chắc các nhà hoạch định chính sách sẽ lắng nghe.
Hsu, người vào năm 2022 đã trở thành giám đốc mới đầu tiên của cuộc khảo sát sau 46 năm. Hình ảnh: Peter Hoffman cho Bloomberg Businessweek
Tác giả: Ben Steverman
30 tháng 06, 2025 lúc 11:52 AM
Tóm tắt bài viết
Bà Joanne Hsu từ Đại học Michigan cho biết chỉ số tâm lý tiêu dùng của Mỹ giảm mạnh 29% trong 4 tháng đầu năm 2025, xuống mức thấp nhất lịch sử và dự báo lạm phát tiếp tục tăng.
Bà Joanne Hsu nhấn mạnh rằng người tiêu dùng cảm nhận tình hình kinh tế qua trải nghiệm hàng ngày như đi siêu thị, thanh toán hóa đơn, và những cảm nhận này định hình hành vi chi tiêu trong tương lai.
Khảo sát của Đại học Michigan được thành lập năm 1946 và đã dự báo chính xác cuộc suy thoái năm 1974, khảo sát này liên tục thay đổi để tăng tính thời sự và độ chính xác.
Kết quả khảo sát tháng trước cho thấy hai phần ba số người tham gia tự đề cập đến vấn đề thuế quan và lo ngại lớn nhất là nguy cơ lạm phát do thuế quan gây ra, ảnh hưởng đến chi tiêu.
Bà Hsu lo ngại về việc niềm tin giảm nhanh ở nhóm người tiêu dùng giàu có, những người từng giúp kinh tế tránh suy thoái sau đại dịch, và cho rằng tình hình hiện tại rất khác so với trước đây.
Tóm tắt bởi AI HAY
Mỗi tháng, hàng ngàn người Mỹ được chọn ngẫu nhiên để nhận một bức thư từ Đại học Michigan với câu hỏi đơn giản: bạn đang cảm thấy thế nào. Năm nay, câu trả lời của họ phần lớn đều giống nhau: tệ.
Họ cảm thấy tệ vì giá cả, vì triển vọng kinh doanh. Tệ vì thu nhập, công việc, nhà ở và cả thị trường chứng khoán. Tâm lý tiêu cực lan rộng đến mức chỉ số tâm lý tiêu dùng của Đại học Michigan rơi xuống một trong những mức thấp nhất từ trước đến nay, duy trì suốt hai tháng mùa xuân sau khi giảm 29% chỉ trong bốn tháng đầu năm 2025. Trong suốt 79 năm khảo sát này được thực hiện, mức sụt giảm nhanh và sâu như vậy hầu như luôn dự báo trước một cuộc suy thoái. Dù chỉ số tăng nhẹ vào đầu tháng 6, kết quả vẫn cho thấy người Mỹ dự đoán lạm phát sẽ tiếp tục tăng và tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại đáng kể trong năm tới.
“Khi tất cả các tín hiệu đều chỉ về một hướng, tôi nghĩ chúng ta cần lắng nghe người tiêu dùng một cách nghiêm túc,” bà Joanne Hsu, giám đốc cuộc khảo sát của Đại học Michigan, nhận định. “Phớt lờ điều này là rất nguy hiểm.”
Tuy nhiên, đó lại chính là điều Phố Wall đang làm. Trong khi các chỉ báo mềm như khảo sát tâm lý vẫn ở mức thấp kỷ lục và người tiêu dùng lo ngại lạm phát sẽ leo thang, thì các chỉ số kinh tế cứng như thị trường việc làm vẫn ổn định. Thị trường chứng khoán đã phục hồi mạnh từ mức đáy hồi tháng 4, khiến nhiều chuyên gia tài chính uy tín cho rằng người tiêu dùng đơn giản là bị chi phối bởi quan điểm chính trị. Một cây bút của Financial Times thậm chí viết hồi đầu tháng 5: “Chúng ta không nên tin những người tiêu dùng nói rằng họ đang chán nản.”
Theo bà Hsu — người trở thành giám đốc khảo sát đầu tiên sau 46 năm vào năm 2022 — nhiều nhà đầu tư và phân tích dường như không thực sự hiểu những dữ liệu mà họ đang bác bỏ. “Họ đang bỏ lỡ vấn đề cốt lõi,” bà nói trong lúc đi bộ trong khuôn viên phủ bóng cây xanh của Đại học Michigan ở Ann Arbor đầu tháng 6.
Theo bà, người tiêu dùng không chỉ dựa vào tin tức hay số liệu của chính phủ để hình thành quan điểm. Thay vào đó, họ cảm nhận tình hình kinh tế thông qua những trải nghiệm thường ngày: đi siêu thị, trò chuyện ở nơi làm việc, thanh toán hóa đơn. Các yếu tố như tuổi tác, sức khỏe hay quan điểm chính trị có thể ảnh hưởng đến cảm nhận đó, nhưng chính điều đó lại phản ánh đúng hành vi chi tiêu trong tương lai. Và khảo sát này hiếm khi sai.
Năm 1974, khảo sát đã phát hiện sớm cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ Thế chiến thứ Hai, trong khi doanh số TV, ô tô và hàng tiêu dùng vẫn tăng đều đã đánh lừa nhiều nhà kinh tế rằng mọi thứ vẫn ổn. Dù nhiều người hoài nghi độ chính xác của dự báo từ công chúng, bà Hsu vẫn khẳng định: “Họ đang cho ta thấy một điều rất quan trọng.”
Với tác phong điềm tĩnh và rõ ràng, bà Hsu trở nên quyết liệt khi nói về quan điểm của những người tham gia khảo sát. Bà nhấn mạnh rằng chi tiêu tiêu dùng chiếm gần 70% nền kinh tế Mỹ và cảm nhận hôm nay gần như luôn định hình hành vi ngày mai. “Tiếng nói của người tiêu dùng rất dễ bị phớt lờ.”
Sinh ra ở Houston trong một gia đình nhập cư gốc Đài Loan, Hsu ban đầu không định trở thành nhà kinh tế học. Bà chỉ bắt đầu quan tâm đến lĩnh vực này khi học một lớp tại Đại học Brown, nơi bà phát hiện lý thuyết kinh tế có thể ứng dụng để phân tích các vấn đề xã hội như tỉ lệ sinh và tội phạm. “Điều đó thực sự đã mở mang tầm mắt tôi,” bà chia sẻ.
Khi làm nghiên cứu sinh tại Đại học Michigan, luận án của Hsu tập trung vào các quyết định tài chính của người cao tuổi, bao gồm cả phụ nữ góa chồng. Tại đây, bà cũng học chuyên sâu về phương pháp khảo sát — lĩnh vực mà Đại học Michigan dẫn đầu. Những kỹ năng này đã được bà áp dụng vào công việc đầu tiên sau khi nhận bằng tiến sĩ tại Cục Dự trữ Liên bang (Fed) ở Washington, nơi bà tham gia Khảo sát Tài chính Người tiêu dùng — một nghiên cứu toàn diện về tài sản của người dân Mỹ được thực hiện ba năm một lần.
Dù có nhiều kinh nghiệm trong việc thu thập và phân tích dữ liệu, Hsu cho biết bà “chưa bao giờ nghĩ đến chuyện” quay lại Michigan để phụ trách cuộc khảo sát tiêu dùng. Vị trí giám đốc đã không có người thay thế kể từ trước khi bà ra đời, và với tính cách hướng nội, bà không chắc mình phù hợp với vai trò công khai như vậy.
Tuy nhiên, khi ông Richard Curtin — người giữ vị trí này từ năm 1976 — tuyên bố nghỉ hưu, các cố vấn đã khuyến khích bà nộp đơn. “Phần công việc liên quan đến tiếp xúc công chúng là hoàn toàn mới đối với tôi và từng khiến tôi rất sợ hãi,” bà nói. “Nhưng giờ nó gần như đã trở thành phản xạ tự nhiên.”
Khảo sát của Đại học Michigan do giáo sư kinh tế kiêm nhà tâm lý học George Katona sáng lập năm 1946, với mục tiêu đánh giá tâm lý tiêu dùng vượt ra khỏi các chỉ số thu nhập hay dữ liệu kinh tế thuần túy. Vào thời điểm đó, nhiều nhà kinh tế hoài nghi liệu khảo sát sẽ đem lại giá trị thực tế hay không, nhưng qua nhiều thập niên, khảo sát đã được chứng minh là chỉ báo sớm đáng tin cậy của suy thoái.
Trong quá trình phát triển, khảo sát cũng liên tục thay đổi: từ hàng quý chuyển sang hàng tháng vào năm 1978, rồi từ phỏng vấn trực tiếp chuyển sang điện thoại để tăng tính thời sự. Đến năm 2024, khảo sát chính thức thực hiện trực tuyến sau 15 năm thử nghiệm. Hiện nay, thư được gửi đến các địa chỉ được chọn ngẫu nhiên, kèm theo mã QR hoặc đường dẫn tới bảng câu hỏi online.
Theo ngôn ngữ kinh tế học, độ tương quan giữa phản hồi qua điện thoại và trực tuyến lên đến 97% — gần như không có khác biệt lớn. Tuy nhiên, người trả lời thường thể hiện cảm xúc bi quan nhiều hơn khi gõ trên máy tính so với khi nói chuyện với người thật. Dù vậy, Hsu cho biết bà hoàn toàn tin tưởng phương pháp mới đang hoạt động hiệu quả, phản ánh đầy đủ các quan điểm chính trị và những biến động hàng tháng giống như khảo sát qua điện thoại. Việc chuyển sang hình thức trực tuyến cũng giúp tăng gần như gấp đôi kích thước mẫu — chỉ riêng tháng trước đã thu thập được gần 1.200 phản hồi.
Khảo sát bao gồm nhiều câu hỏi mở, cho phép người tham gia bày tỏ suy nghĩ. Trong tháng trước, hai phần ba người tham gia tự đề cập đến vấn đề thuế quan. Ngay cả nhiều người ủng hộ chính sách thương mại của Tổng thống Donald Trump cũng cho biết họ dự đoán sẽ phải chịu thiệt hại trong ngắn hạn. Mối lo lớn nhất của người tiêu dùng Mỹ là nguy cơ lạm phát do thuế quan gây ra.
“Người dân ghét giá cao,” Hsu nói. “Họ cảm thấy túi tiền của mình đang bị vét sạch.” Những yếu tố từng định hình tầng lớp trung lưu như sở hữu nhà, học đại học và nghỉ hưu ở tuổi 65 đang ngày càng trở nên xa vời với người Mỹ, bà bổ sung. “Vì sao mọi người lại tức giận đến vậy? Bởi những mục tiêu lớn mà họ đang nỗ lực tiết kiệm để đạt được ngày càng trở nên khó khăn hơn.”
Dù chỉ số niềm tin tiêu dùng giảm mạnh trong năm nay, Hsu cho rằng “không thể khẳng định suy thoái sẽ xảy ra,” bà nói. Lịch sử cho thấy tâm lý người tiêu dùng có thể cải thiện rất nhanh khi hoàn cảnh thay đổi, và “chỉ cần có sự rõ ràng” về thuế quan cũng có thể xoay chuyển mọi thứ. Thực tế, kết quả sơ bộ tháng 6 được công bố giữa tháng cho thấy người dân phần nào tỏ ra nhẹ nhõm khi các kịch bản xấu nhất chưa xảy ra. Cuộc khảo sát quy mô nhỏ này được thực hiện từ ngày 27.5 đến 9.6, chỉ vài ngày trước khi Mỹ và Trung Quốc công bố khuôn khổ thương mại mới. Tuy nhiên, dữ liệu sơ bộ tháng 6 — thu thập trước khi Tổng thống Trump không kích Iran — vẫn giảm 18% so với tháng 12 và đang ở mức thấp hiếm thấy dù không trong thời kỳ suy thoái.
Ngoại trừ năm 2022. Khi đó, ngay lúc bà Hsu tiếp quản vị trí giám đốc, lạm phát tăng vọt và chỉ số niềm tin tiêu dùng của Michigan rơi xuống mức thấp kỷ lục, báo hiệu nguy cơ suy thoái. Tuy nhiên, suy thoái đã không xảy ra, có thể do thị trường lao động khan hiếm nhân lực và thu nhập tăng, bà nhận định.
Giờ đây, câu hỏi lớn là liệu tâm lý thận trọng của người dân có phải chỉ là dư âm của giai đoạn hậu đại dịch — khi người Mỹ vẫn chi tiêu bất chấp tâm trạng tiêu cực — hay là dấu hiệu giống như các giai đoạn 1974, 2001 và những lần khảo sát từng dự báo đúng sự suy thoái.
Riêng bà Hsu tin vào kịch bản thứ hai. Trong tháng trước, 64% người Mỹ cho biết họ dự đoán tỉ lệ thất nghiệp sẽ tăng trong vòng một năm — cao hơn nhiều so với mức 45% vào cuối năm 2022. Tỉ lệ người tiêu dùng cho rằng họ sẽ gặp khó khăn về tài chính trong một năm tới cũng tăng lên mức cao kỷ lục vào mùa xuân này.
Điều đáng lo ngại nhất, theo bà, là mức độ suy giảm niềm tin lại diễn ra nhanh nhất ở nhóm người tiêu dùng giàu có — những người từng giúp nền kinh tế tránh khỏi suy thoái sau đại dịch nhờ chi tiêu mạnh tay. “Sẽ rất nguy hiểm nếu cho rằng người tiêu dùng sẽ tiếp tục chi nhiều tiền như họ đã làm giai đoạn trước,” Hsu nói. “Chúng ta đang ở trong một bối cảnh hoàn toàn khác.”
Theo Bloomberg
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/khi-thi-truong-an-mung-chuyen-gia-ve-tam-ly-tieu-dung-my-lai-lo-lang-53597.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
BÀI LIÊN QUAN
Gói đăng ký
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: [email protected]
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media