Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Benchmark dẫn đầu khoản đầu tư 75 triệu đô vào Manus và bất ngờ khi vấp phải làn sóng chỉ trích gay gắt từ các nhà đầu tư khác.
Minh họa: Virginia Gabrielli cho Bloomberg Businessweek
Tác giả: Kate Clark và Zheping Huang
15 tháng 07, 2025 lúc 1:10 PM
Tóm tắt bài viết
Quỹ đầu tư mạo hiểm Benchmark bị chỉ trích sau khi đầu tư vào startup AI Manus do Trung Quốc sáng lập, làm dấy lên lo ngại về hỗ trợ chính phủ Trung Quốc.
Ông Delian Asparouhov của Founders Fund chỉ trích Benchmark "rót tiền cho kẻ thù", so sánh với việc tài trợ chương trình không gian của Nga năm 1972.
Ông Bill Gurley từ Benchmark bảo vệ khoản đầu tư 75 triệu đô la vào Manus, nhấn mạnh sản phẩm AI của công ty hoạt động trên nền tảng Mỹ.
Nhà đầu tư mạo hiểm Tim Draper tuyên bố không đầu tư vào Trung Quốc đến khi Ông Tập Cận Bình thay đổi quan điểm, phản ánh tâm lý thận trọng.
Mỹ siết chặt quy định đầu tư vào công ty Trung Quốc trong lĩnh vực bán dẫn, điện toán lượng tử và AI, buộc các nhà sáng lập phải lựa chọn.
Tóm tắt bởi AI HAY
Benchmark, một trong những quỹ đầu tư mạo hiểm hàng đầu Thung lũng Silicon, đã nhanh chóng hứng chịu chỉ trích sau khi Bloomberg News đưa tin vào cuối tháng 4 rằng quỹ này đang đầu tư vào một startup AI do người Trung Quốc sáng lập. Các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa cho rằng thương vụ này đồng nghĩa với việc Benchmark đang hỗ trợ chính phủ Trung Quốc, đồng thời kêu gọi Quốc hội can thiệp. Một số nhà đầu tư mạo hiểm khác cũng chỉ trích Benchmark đã hành động thiếu trách nhiệm.
“Các anh đang rót tiền cho kẻ thù,” Delian Asparouhov, đối tác 31 tuổi tại Founders Fund, nói. “Năm 1972, chẳng ai lại tài trợ cho chương trình không gian của Nga cả. Vậy thì tại sao chúng ta lại tài trợ cho cuộc đua AI của Trung Quốc vào năm 2025? Với tôi, đó là hai câu hỏi hoàn toàn giống nhau. Điều đó quá vô lý.”
Benchmark từ chối bình luận. Tuy nhiên, làn sóng chỉ trích đã khiến ông Bill Gurley, đối tác kỳ cựu của Benchmark, khá bất ngờ. Ông Gurley đã không còn nắm nhiều quyền điều hành từ năm 2020 và không tham gia trực tiếp vào thương vụ này. Trong một tập podcast BG2 phát sóng tháng 5, ông bày tỏ sự ủng hộ với quyết định dẫn đầu khoản đầu tư 75 triệu đô la vào Butterfly Effect — công ty đứng sau sản phẩm AI có tên Manus.
Ông nhấn mạnh sản phẩm này chỉ hoạt động trên nền tảng các mô hình ngôn ngữ lớn do Mỹ phát triển như Claude của Anthropic, và công ty có văn phòng bên ngoài Trung Quốc, không lưu trữ dữ liệu khách hàng tại quốc gia này. Ông bác bỏ ý kiến cho rằng thương vụ này có thể đe dọa đến an ninh quốc gia Mỹ. “Chỉ vì bạn không chống Trung Quốc, người ta sẽ cáo buộc bạn thân Trung Quốc. Nhưng giữa hai thái cực đó vẫn còn rất nhiều khoảng trống,” ông Gurley nói.
Gurley không phản hồi yêu cầu bình luận thêm. Một người am hiểu về thương vụ này cho biết Manus đã quyết định rời khỏi Trung Quốc trước khi đàm phán với Benchmark và hiện đã đóng cửa tất cả văn phòng tại nước này. Trụ sở của startup hiện đặt tại Singapore.
Khoản đầu tư đã nâng định giá của Manus lên 500 triệu đô la, gấp năm lần trước đó. Tuy khá nhỏ nếu so với các thương vụ hàng chục tỉ đô la đang đổ vào ngành AI, nhưng thương vụ này đã phơi bày sự chia rẽ ngày càng sâu sắc trong giới đầu tư Thung lũng Silicon về vấn đề Trung Quốc, lòng yêu nước và mục tiêu lợi nhuận.
“Không bỏ dù chỉ một đồng vào Trung Quốc cho đến khi Tập Cận Bình thay đổi quan điểm hoặc bị thay thế,” nhà đầu tư mạo hiểm nổi tiếng Tim Draper nói. Ông từng đầu tư vào Baidu vào năm 2000, nhưng đã ngừng các thương vụ tương tự từ khi ông Tập lên nắm quyền và áp đặt kiểm soát nhà nước nghiêm ngặt hơn.
Trước đây, các quỹ đầu tư Mỹ từng đóng vai trò then chốt trong việc phát triển ngành Internet Trung Quốc, khi họ tìm cách sao chép mô hình kinh doanh thành công từ Mỹ và rót hàng tỉ đô la vào Alibaba, Baidu, Didi và ByteDance — công ty mẹ của TikTok. Xu hướng này lên đến đỉnh điểm vào năm 2018, khi các nhà đầu tư Mỹ tham gia vào hơn 40 tỉ đô la thương vụ tại Trung Quốc, theo dữ liệu từ PitchBook.
Tuy nhiên, tâm lý này bắt đầu thay đổi khi tổng thống Donald Trump nhậm chức năm 2017 và tiếp tục kéo dài dưới thời ông Joe Biden. Mỹ đã áp dụng thêm thuế quan và giới hạn đầu tư vào Trung Quốc, trong khi một số công ty Mỹ cũng cắt đứt quan hệ kinh tế với quốc gia này. Song song đó, Bắc Kinh siết chặt quy định đối với đầu tư nước ngoài, khiến thị trường công nghệ bị thu hẹp, theo ông Winston Ma, giáo sư trường Luật, Đại học New York và là đối tác tại Dragon Capital — một văn phòng đầu tư tập trung vào AI.
Năm ngoái, tổng vốn đầu tư vào các startup Trung Quốc giảm gần 40% so với năm trước, và chỉ 8,5% các vòng gọi vốn có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài — mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ, theo PitchBook.
Vào tháng 1, loạt quy định mới của Mỹ nhằm hạn chế dòng vốn đầu tư vào các công ty Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực bán dẫn, điện toán lượng tử và trí tuệ nhân tạo đã chính thức có hiệu lực. Các biện pháp này nằm trong chương trình An ninh đầu tư Rmra nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ, cấm các nhà đầu tư rót vốn vào hệ thống AI được thiết kế phục vụ mục đích quân sự, tình báo chính phủ hoặc giám sát quy mô lớn. Trách nhiệm tuân thủ thuộc về nhà đầu tư, họ phải tự đánh giá rủi ro và thông báo cho bộ Tài chính nếu tham gia đầu tư vào các lĩnh vực nhạy cảm.
Benchmark đã thuê luật sư đánh giá khoản đầu tư vào Manus và kết luận không cần phải báo cáo, vì sản phẩm của công ty này chỉ là một ứng dụng tiêu dùng, theo một nguồn tin am hiểu sự việc. Tuy nhiên, ngay sau khi Benchmark hoàn tất thương vụ, công ty đã nhận được thư từ bộ Tài chính yêu cầu làm rõ khoản đầu tư.
Nếu bộ Tài chính Mỹ xác định rằng thương vụ vi phạm chính sách, Benchmark sẽ buộc phải thoái vốn và có thể đối mặt với các án phạt hình sự hoặc dân sự, bao gồm mức phạt gấp đôi giá trị giao dịch. Một số luật sư không liên quan đến thương vụ cho rằng khả năng xảy ra kịch bản này là rất thấp, vì Butterfly Effect được đăng ký tại quần đảo Cayman.
“Tôi sẽ thận trọng trước khi kết luận rằng đây là hành vi lách luật,” ông Anthony Rapa, đối tác tại hãng luật Blank Rome và đồng chủ tịch nhóm thực hành thương mại quốc tế của công ty, nhận định. Người phát ngôn của Bộ Tài chính và Manus từ chối bình luận.
Bối cảnh thay đổi này đang buộc các nhà sáng lập tại Trung Quốc phải đưa ra lựa chọn khó khăn: huy động vốn từ nhà đầu tư Trung Quốc để tập trung vào thị trường nội địa, hoặc cắt đứt liên hệ với Trung Quốc để tiếp cận nguồn vốn và người dùng toàn cầu. Tuy nhiên, ngay cả khi họ chọn phương án thứ hai, họ cũng không chắc tránh được sự nghi ngờ.
HeyGen, một startup AI chuyên về video được thành lập tại Trung Quốc năm 2020, là ví dụ điển hình. Công ty đã chuyển trụ sở sang Mỹ vào năm 2022, nơi các nhà sáng lập từng theo học đại học. Năm ngoái, Benchmark dẫn đầu một khoản đầu tư vào HeyGen, định giá công ty ở mức 500 triệu đô la. Cùng thời điểm đó, chính phủ Mỹ công bố một báo cáo nêu lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với công ty này.
“Tôi thấy thất vọng khi nguồn gốc Trung Quốc của tôi bị coi là điều đáng xấu hổ,” ông Joshua Xu, đồng sáng lập HeyGen, nói với Bloomberg năm ngoái, cho rằng điều đó “không liên quan gì đến công ty của tôi, cũng như công ty của người Mỹ, người Canada hay người Anh.”
Tâm lý dè chừng Trung Quốc đang ngày càng gia tăng, đúng lúc các quỹ như Founders Fund và Andreessen Horowitz chuyển trọng tâm sang đầu tư vào các công ty quốc phòng, công nghiệp và hàng không vũ trụ tại Mỹ. Họ theo đuổi tinh thần yêu nước mang tính đối đầu. Năm 2023, ông Asparouhov của Founders Fund — một trong những tiếng nói mạnh mẽ nhất của xu hướng này — đồng sáng lập diễn đàn Hill and Valley Forum nhằm kết nối các nhà hoạch định chính sách, nhà đầu tư và nhà sáng lập tại Washington để bàn về vấn đề an ninh quốc gia.
Trong phát biểu tại sự kiện gần đây và cả sau đó, ông Asparouhov đặt nghi vấn liệu Benchmark có liên hệ gì với Trung Quốc hay không. Một số người tham dự đồng tình, trong đó có ông Emil Michael — cựu giám đốc điều hành Uber, hiện đã được bổ nhiệm làm giám đốc công nghệ của Lầu Năm Góc. “Không thiếu gì công ty AI chất lượng cao tại Mỹ để đầu tư,” ông phát biểu trên sân khấu.
Ông Brad Gerstner, đồng dẫn chương trình podcast của ông Gurley, cho rằng chỉ trích nhắm vào thương vụ Manus là mang tính bài ngoại. Một số nhà đầu tư tại các quỹ lớn khác cũng chia sẻ quan điểm này trong các trao đổi riêng, nhưng từ chối phát biểu công khai để tránh vướng vào vấn đề nhạy cảm. Một nhà đầu tư của Benchmark, đề nghị không nêu tên vì lý do tương tự, cho biết ông không lo ngại về khả năng thẩm định thương vụ của Benchmark.
Dù tâm lý chống Trung Quốc đang lan rộng trong giới đầu tư mạo hiểm, nỗi lo sợ bỏ lỡ cơ hội (FOMO) vẫn còn đó. Các nhà đầu tư tiếp tục đến Trung Quốc, ngay cả khi tuyên bố chưa có kế hoạch đầu tư tại đây trong ngắn hạn.
Tháng 6, ông Santi Subotovsky, đối tác cấp cao của Emergence Capital, đã phát biểu tại một hội thảo về đầu tư AI ở Triều Dương, cho biết ông đang tìm kiếm các công ty phần mềm doanh nghiệp ứng dụng AI ngoài nước Mỹ, theo bản ghi sự kiện. Cùng thời gian đó, đại diện của Thrive Capital — quỹ do ông Josh Kushner sáng lập — cũng đến Trung Quốc để tìm hiểu về thị trường AI, theo Bloomberg. Người phát ngôn của Thrive cho biết quỹ không có ý định đầu tư tại Trung Quốc. Ông Subotovsky không phản hồi yêu cầu bình luận.
Sau khoản đầu tư từ Benchmark, Manus đã trao đổi với một số quỹ tại Mỹ về khả năng huy động thêm vài trăm triệu đô la, nhưng hiện công ty đã hủy kế hoạch này để tập trung phát triển sản phẩm, theo một trong những nguồn tin.
Ông Asparouhov cho rằng phản ứng tiêu cực sau thương vụ đầu tư của Benchmark đã khiến các nhà đầu tư Mỹ khác từ bỏ ý định thực hiện các thương vụ tương tự. “Họ đã bị chỉ trích quá nặng nề,” ông nói. Tuy nhiên, phần lớn chỉ trích lại đến từ chính ông Asparouhov, và chưa rõ quan điểm của ông có nhận được ủng hộ rộng rãi hay không.
Ông Josh Wolfe, đồng sáng lập quỹ đầu tư công nghệ quốc phòng Lux Capital, cũng từng đăng bài chỉ trích Benchmark trên nền tảng X vào đầu tháng 5, nhưng sau đó đã xóa bài khi Bloomberg Businessweek liên hệ phỏng vấn. “Tôi đã xóa vì đăng bài một cách vội vàng và thiếu thông tin,” ông viết trong email, đồng thời thừa nhận đã biết công ty khởi nghiệp này đang cố gắng rời Trung Quốc. “Tôi nghĩ vấn đề này cần được nghiên cứu kỹ hơn thay vì chỉ trích đơn thuần.”
— Với sự hỗ trợ của Katie Roof và Lulu Chen
Theo Bloomberg
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/chu-de-cam-ky-moi-o-thung-lung-silicon-la-dau-tu-vao-ai-trung-quoc-53781.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
BÀI LIÊN QUAN
Gói đăng ký
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: [email protected]
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media